Xuân Tân Sửu 2021
Hướng đến nền nông nghiệp sạch
Nhiều năm qua, huyện Hòa Bình đã hướng người dân làm quen với nền nông nghiệp sạch thông qua các mô hình sản xuất lúa, tôm… sử dụng chế phẩm vi sinh. Tất cả sản phẩm sạch đều được bao tiêu, giá thành hợp lý nên góp phần thay đổi đời sống người dân, diện mạo nông thôn cũng khởi sắc…
Ông Mã Thanh Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình trao biểu trưng tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Ảnh: C.K
Ở vùng Nam Quốc lộ 1A, ngoài 16.728ha nuôi trồng thủy sản với tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt gần 73.000 tấn, Hòa Bình còn có gần 1.000ha nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh, năng suất trung bình 50 tấn/ha. Để hướng đến nền nông nghiệp sạch, huyện đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương hướng dẫn người dân thực hiện tốt mục tiêu xây dựng thương hiệu “Lúa sạch Hòa Bình” trong tương lai. Đơn cử như mô hình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai thí điểm ở các xã vùng Bắc Quốc lộ 1A. Đây được xem là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.
Kiểm tra tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ
Năm 2020, huyện cũng triển khai mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST 24. Khi tham gia các mô hình sản xuất lúa sạch, nông dân được hỗ trợ giống và phân bón vi sinh, được cán bộ kỹ thuật của các công ty tham gia chuỗi liên kết hướng dẫn thực hiện theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Phương thức sản xuất này đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí từ 2 - 3 triệu đồng/ha; giá lúa khi xuất bán cao hơn từ 150 - 200 đồng/kg so với lúa sản xuất ngoài mô hình. Qua đó còn giúp nông dân nắm bắt quy trình sản xuất, quen dần với việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Điều đáng mừng là có đến gần 80% diện tích sản xuất được bao tiêu sản phẩm. Mục tiêu của huyện trong năm 2021 là 100% diện tích được bao tiêu.
Ngoài ra, mô hình trồng lúa thảo dược theo hướng an toàn sinh học của nông dân ấp An Nghiệp (xã Vĩnh Mỹ B) đang áp dụng cũng được xem là hướng đi mới, tiến tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong tương lai khi thực tế chứng minh chất lượng gạo rất tốt cho sức khỏe, “cơm thảo dược” khá dẻo và ngon.
Hiện huyện đang tập trung xây dựng các ô đê bao khép kín để đảm bảo điều kiện triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa vi sinh. Theo kế hoạch, huyện sẽ hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, sản phẩm an toàn để giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tăng thêm thu nhập. Bởi, sản xuất lúa hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe của con người, mà về lâu dài còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái, cho năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư.
Có thể khẳng định, từ nhiều năm qua, nông nghiệp - nông thôn của huyện Hòa Bình đã có bước chuyển biến lớn. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng năng suất, chất lượng cao trở thành nhiệm vụ quan trọng, làm nền tảng, trụ cột cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Trước yêu cầu phát triển của xã hội và công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đồng thời, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp để ổn định đầu ra cho hàng hóa nông, thủy sản trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn; khuyến khích sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động nhiều hơn nguồn vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Qua đó tạo sự đồng bộ giữa chủ trương, chính sách với nguồn lực tài chính và thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất lúa, chăn nuôi, sản xuất rau màu, nuôi trồng thủy sản của huyện theo đúng quy hoạch của một nền nông nghiệp sạch.
MÃ THANH PHƯƠNG - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình