Xuân Tân Sửu 2021
Lời ca bên vành nón…
Tôi đang tìm tư liệu và cảm hứng viết bài tùy bút gửi báo Bạc Liêu số Xuân Tân Sửu 2021 thì cậu con trai học lớp 8, hỏi: “Ba có biết chiếc nón ở vùng nào lớn nhất Việt Nam không ba?”. Chưa kịp thắc mắc với bé, sao lại hỏi cắc cớ quá vậy, thì bé đã mau lẹ tiếp lời: Trường con tổ chức trò chơi “Chiếc nón kỳ diệu”. Con bấm chuông trả lời đúng câu giải đáp ô chữ “Đây là địa phương có chiếc nón lớn nhất Việt Nam”, giúp đội lớp con được giải nhất…
Nhà hát Ba nón lá.
Thì ra đó là chiếc nón ở nhà hát Cao Văn Lầu, thành phố Bạc Liêu. Mô hình ba chiếc nón lá nghiêng vào nhau trên mặt hồ tạo cảm giác như một tốp thiếu nữ ngồi trên mạn thuyền, nghiêng nghiêng vành nón lá buông từng câu vọng cổ mượt mà. Lời ca theo sóng nước vang xa, đưa du khách đắm chìm vào nỗi xúc cảm thiết tha của tình yêu đôi lứa, của nghĩa vợ tình chồng, của niềm mong, nỗi nhớ dằng dặc qua ngày dài đêm thâu… Chiếc nón ấy đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam, là mô hình chiếc nón lá lớn nhất cả nước.
Lịch sử văn hóa của người dân Việt từ bao đời nay gắn liền với chiếc nón lá. Thứ vật dụng thân thuộc được làm bằng lá nón, khâu vào những vành tre tròn vành vạnh, đã đội lên đầu của biết bao thế hệ con người. Mái đầu, gương mặt của người dân Việt từ hàng ngàn năm nay được che nắng che mưa, tạo dáng yêu kiều, khoe nét đẹp e ấp, tiềm ẩn dưới vành nón ấy. Từ xa xưa, nhắc đến áo bà ba, nón lá, người ta nghĩ ngay đến người phụ nữ Nam Bộ với vẻ đẹp nền nã, mộc mạc, dịu dàng mà có sức gợi cảm đến mê đắm lòng người. Một chút nghiêng nghiêng vành nón đủ để cho nụ cười e ấp tỏa nắng gợi nhớ đến trăm năm.
Chiếc nón lá về với đất và người Bạc Liêu từ bao giờ? Hẳn là từ lâu lắm, từ cái thuở ông bà mình dắt díu nhau theo sông rạch về khai khẩn vùng đất trên bán đảo Cà Mau từ mấy trăm năm trước. Bạc Liêu đất rộng, sông dài, biển mở lòng với sóng gió đại dương mênh mông, đồng lúa bời bời cò bay mỏi cánh. Tiếp nối giống nòi từ thuở khẩn hoang, đồng bào các dân tộc trên đất này hình thành, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa phong tục lưu truyền đến muôn đời. Sắc vàng của đồng lúa chín in trên mái chùa, hiện trên màu áo sư sãi. Và, cho dù xuất phát từ đâu, dân tộc nào, con người Bạc Liêu cũng gắn với hình ảnh chiếc nón lá thân thương. Chiếc nón ấy đã được chọn làm biểu tượng của nghệ thuật cải lương, gắn với tên tuổi cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang nức tiếng gần xa. Bên vành nón ấy, lời ca vọng cổ như những con thuyền chở cây trái mùa màng ngọt lịm, theo sông dài biển rộng gửi thương nhớ đến muôn nơi. Hình ảnh người con gái Bạc Liêu căng tràn sức sống, vận áo bà ba hay tà áo dài thuần Việt, đội nón lá, thả dáng trên bến Gành Hào với những đường cong thân thể miên man, đã làm tốn giấy mực của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ khi đến đất này. Cái vẻ đẹp thuần khiết mà bí ẩn ngàn đời ấy, âm thanh của lời ca vọng cổ bên vành nón lá như rót mật vào lòng ấy, đã làm cho vùng đất từng được gọi là “xứ cơ cầu” trở nên lãng mạn, thân thương biết chừng nào…
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Ảnh: H.T
20 năm trước, ngày mới chập chững bước vào nghề báo, tôi cũng không tài nào thoát ra được sức quyến rũ mê hồn trong đêm Gành Hào và ở khu Nhà Mát, nhìn trăng loang sóng biển nghe tài tử giai nhân “xứ cơ cầu” ca điệu Hoài lang. Rồi cứ như bản năng giục gọi trong cõi hoang sơ, tôi cũng cặm cụi tập tọe làm thơ: “…Nhớ câu hữu duyên tương ngộ/ Trăng khuyết rồi trăng lại rằm/ Mắt trong mắt nhìn bỡ ngỡ/ Một ngày bằng mấy trăm năm…/ Dẫu biết đường đời trăm ngả/ Ai người phụ nghĩa tào khang/ Tình em xanh màu cây lá/ Thủy chung thuở kiệu ngựa vàng…/ Anh đi chân trời góc bể/ Mang theo nỗi nhớ đất này/ Bạc Liêu với em là thế/ Một lần đến một đời say…” (Dịu dàng em - Bạc Liêu). Sau này có lần được gặp nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong khu phố đêm nhộn nhịp ở Sài Gòn, tôi hỏi ông về ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, ông bảo: Ca khúc ấy được ông viết bằng cảm xúc thực tế chứ không hề cường điệu. Trong một lần trở lại Bạc Liêu, ông ngồi trên bến Gành Hào dưới trời đêm trăng thanh gió mát. Trong không gian gợi cảnh gợi tình ấy, ông nghe từ radio lời ca, tiếng đờn bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Thế là ông viết! Ca từ, giai điệu cứ như từ trong mạch nguồn xúc cảm tuôn ra. Bây giờ thì nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã hội ngộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người được ông tôn vinh là bậc thầy ở cõi cao xanh. Ông để lại cho đời nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang là ca khúc được người Việt khắp nơi trên thế giới yêu thích bởi sự da diết, lắng sâu đến từng giọt cảm xúc. Nhiều lần nghe nữ ca sĩ Cẩm Ly thể hiện ca khúc này, người hâm mộ rất ấn tượng với tạo hình của chị trong trang phục áo bà ba, nón lá, nhất là khi chị đi hát phục vụ kiều bào ở nước ngoài…
Người Bạc Liêu ai cũng biết ca cổ. Giai nhân Bạc Liêu đội nón lá, ai cũng đẹp! Mỗi người một vẻ đẹp riêng! Nhưng người hội tụ vẻ đẹp hài hòa nhất có lẽ là Hoa hậu Việt Nam - Đặng Thu Thảo. Những khuôn hình, cả khi trình diễn trên sân khấu hay trong những bộ ảnh được chụp ở nhiều nơi, hoa hậu quê Bạc Liêu được giới cầm bút gọi là “Người đẹp trong tranh”. Trong vẻ đẹp của một hoa hậu, người ta thấy rõ tâm hồn, khí chất, thần thái của người Bạc Liêu, đó là sự nền nã, mộc mạc, mong manh, đằm thắm, dịu dàng…
Đầu năm 2020, lần thứ ba tôi trở lại Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chương trình giao lưu nghệ thuật trên đảo, được thưởng thức bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang, do các chị chủ nhà của các hộ gia đình được tuyển lựa ra đảo định cư luyện tập, thể hiện, thấy yêu quê hương đất nước đến lạ. Giao lưu xong lại còn được thưởng thức tô bún mắm chế biến theo phong cách Bạc Liêu, dù nước lèo chưa chuẩn mùi vị bún mắm như khi ăn ở cái quán gần Nhà hát Cao Văn Lầu, nhưng ai cũng thấy ngon vô cùng.
Lại nhớ chuyến công tác trước đó, lênh đênh cùng các chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đến các đảo trên vùng biển Tây Nam như Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối… Trên tuyến biển đảo phía Nam Tổ quốc, tôi gặp lại một số đồng đội, học trò cũ quê Bạc Liêu. Đó là những cán bộ từng học ở Trường Sĩ quan Lục quân 2. Người Bạc Liêu dù ở đâu, làm gì cũng đong đầy chất trữ tình, lãng mạn. Cán bộ, chiến sĩ quê Bạc Liêu ai cũng biết ca cải lương và ca vọng cổ rất hay. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của người Bạc Liêu như mạch nguồn trong huyết quản, trở thành nhu cầu tự thân. Bởi vậy, trong các đơn vị nghệ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, các đoàn văn công Quân đội, nhiều giọng ca cải lương chủ lực là con em Bạc Liêu.
Nhìn trên bản đồ kinh tế - xã hội của đất nước, hẳn không ít người yên lòng vì Bạc Liêu đã vươn lên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng chỉ riêng ở khía cạnh văn hóa tinh thần mà nói, Bạc Liêu là một vùng hội tụ bản sắc dân tộc. Ngay cả những em học sinh tuổi mới lớn, cùng trang lứa với con trai tôi cũng hiểu biết về ý nghĩa, thông điệp từ tiếng đờn, lời ca bên vành nón, thì chúng ta không thể không vui. Đó là sự ảnh hưởng, lan truyền của văn hóa Bạc Liêu đến với các vùng, miền trong cả nước và kiều bào khắp bốn biển, năm châu. Đầu tư cho văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa là sự đầu tư, gìn giữ cho muôn đời…
Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN