Xuân Tân Sửu 2021

Tìm lại di sản một thời…

Thứ Ba, 26/01/2021 | 15:34

Có lần, ngồi thưởng thức chương trình thực cảnh sân khấu “Bạc Liêu xưa và nay”, nhiều khán giả lớn tuổi nói với tôi rằng, những khung cảnh tái hiện đã làm họ nhớ về một Bạc Liêu xưa. Hình ảnh chiếc xuồng ba lá thả trôi trên sông nước và câu hò Bạc Liêu khoan thai, dìu dặt đủ đánh thức tâm tư để người ta nhớ rằng: có một Bạc Liêu sâu thẳm ân tình gửi trong từng câu hò, điệu lý.

Thực cảnh sân khấu “Bạc Liêu xưa và nay” tái hiện hình ảnh Bạc Liêu xưa. Ảnh: M.Đ

Từ món ăn tinh thần…

Bạc Liêu vào thời kỳ khẩn hoang đất rộng, người thưa, sông rạch chằng chịt, thiên nhiên tuy hoang hóa nhưng cũng ưu đãi con người, cá sẵn dưới sông, chim sẵn trên trời, cộng với hoàn cảnh lịch sử (Pháp xâm chiếm và khai thác)… Những yếu tố này đã tạo điều kiện cho lưu dân khắp nơi đến đây sinh sống. Đầu thế kỷ XIX chỉ có vài chục ngàn người, thì đến đầu thế kỷ XX cư dân lên đến gần 100.000 người.

Quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt trên sông nước đã hình thành nên tính cách, sắc thái văn hóa địa phương qua nhiều thế hệ; đồng thời còn góp phần cho sự ra đời, phát triển của những loại hình nghệ thuật truyền thống của người Bạc Liêu. Các loại hình hò chèo ghe - đờn ca tài tử - ca vọng cổ - điệu nói thơ Bạc Liêu có chuỗi thời gian hình thành và phát triển tiếp nối nhau gần như liên tục.

Trong công cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp. Trên bước đường chinh phục thiên nhiên, trên những chiếc ghe bầu, xuồng tam bản, xuồng ba lá… chuyên chở tài sản bất ly thân, nhiều người không quên mang theo những làn điệu dân ca trữ tình, trong đó có hò chèo ghe, những điệu thức hò, xự, xang, xê, cống... làm hành trang trên bước đường xa xứ. Từ món ăn tinh thần mang theo, khi du nhập vào Bạc Liêu, các tiền nhân đã sáng tác, phổ biến, cách tân cho phù hợp với hoàn cảnh nơi vùng đất mới…

Biểu diễn đờn ca tài tử trên sông nước tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam. Ảnh: H.T

…Đến di sản cho đời sau

Trong các di sản tinh thần để lại từ sau thời khẩn hoang, lập ấp, hò chèo ghe Bạc Liêu chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng văn học dân gian của vùng đất này. Theo tài liệu nghiên cứu của thạc sĩ Lâm Thành Đắc (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bạc Liêu): “Vùng đất Bạc Liêu thực tế đã lưu hành nhiều loại hò của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long như hò sông Hậu, hò Bến Tre, hò Trà Vinh, hò Vĩnh Long…, nhưng mỗi loại hò khi được sử dụng đều có pha trộn, giao thoa tiết tấu hay giai điệu để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế”.

Ra đời sau hò chèo ghe, điệu nói thơ Bạc Liêu lại mang sắc thái đặc trưng không pha lẫn vào đâu của đất và người Bạc Liêu. Khi câu vọng cổ bị cho là ủy mị (khoảng những năm 1946 trở đi) thì người Bạc Liêu vẫn thức thời sáng tác điệu nói thơ Bạc Liêu vô cùng độc đáo. Bài “Mười thương” do ông Thái Đắc Hàng sáng tác phần nhạc điệu và ông Nguyễn Phi Bằng viết lời được xem là bài nói thơ đầu tiên của Bạc Liêu. Trên cơ sở kế thừa điệu nói thơ Vân Tiên và thơ Sáu Trọng kết hợp với âm hưởng “hò, xang” của bài ca vọng cổ, điệu nói thơ Bạc Liêu nhanh chóng lan truyền khắp Nam Bộ. Đêm đêm trên sông rạch, tại những mái nhà trong vùng kháng chiến người ta nghe văng vẳng điệu nói thơ Bạc Liêu của các chàng trai, cô gái; hay các cuộc họp, trong giờ giải lao đều có tiết mục nói thơ Bạc Liêu của cán bộ, chiến sĩ. Cô Phạm Thu Ba, một nghệ nhân nói thơ Bạc Liêu năm nay đã hơn 80 tuổi, vẫn còn giữ bản viết tay nhiều bài nói thơ Bạc Liêu thời ấy: Tấm áo chiến sĩ, Tẩy chay giấy bạc xen xanh, Nam kỳ khởi nghĩa, Khuyên chồng ra mặt trận, Quê hương Bạc Liêu…

Đờn ca tài tử trên sông Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Mở lối đi

Nếu như nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được lưu truyền và phát triển bởi nhiều thế hệ như chúng ta biết thì hò chèo ghe và điệu nói thơ Bạc Liêu rất tiếc đã bị mai một nhiều. Sưu tầm, ghi âm, ghi hình những lời hò, câu hát, những làn điệu còn sót lại để bảo tồn đã được ngành Văn hóa thực hiện; tuy nhiên chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để phát huy. Khai thác điệu nói thơ vào trong công tác tuyên truyền (vì nói thơ Bạc Liêu có tính cổ động rất cao), hoặc đưa câu hò vào phong trào văn nghệ quần chúng, phục vụ nhiệm vụ quảng bá hình ảnh quê hương (hò chèo ghe trữ tình, dễ đi vào lòng du khách) là những hiến kế của thạc sĩ Lâm Thành Đắc - người luôn trăn trở với câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị chuỗi di sản hò chèo ghe - vọng cổ - nói thơ Bạc Liêu.

Thực cảnh sân khấu “Bạc Liêu xưa và nay” được Bạc Liêu thử nghiệm để hướng đến việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Cho nên, không phải tự nhiên mà đạo diễn chương trình đặc biệt này lại dựng nên bối cảnh câu hò đối đáp ngân trên sông nước hữu tình với rặng dừa nước, xuồng tam bản… Người làm có dụng ý mở lối đi cho những di sản một thời bị quên lãng, khơi gợi lại một Bạc Liêu trữ tình, dìu dặt trong từng câu thơ, điệu hò. Đó cũng chính là cốt cách, đời sống tinh thần và chiều sâu văn hóa của người Bạc Liêu. Nếu du lịch Bạc Liêu tìm đường phát triển bằng cách thể hiện dấu ấn riêng mình thì hành trình nối dài từ hò chèo ghe đến ca vọng cổ rồi “phát minh” điệu nói thơ Bạc Liêu - chính là những di sản quý báu hoàn toàn có thể làm nên dấu ấn đó.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.