Xuân Tân Sửu 2021

“Trăm năm nguyên vẹn một chữ tình”

Thứ Ba, 26/01/2021 | 16:58

“Bạc Liêu là vùng đất có truyền thống cách mạng. Người Bạc Liêu bình dị, chất phác nhưng hào phóng, nghĩa tình”, đó là lời đúc kết của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương - Phạm Minh Chính trong một lần đến làm việc tại Bạc Liêu. Tuy “sinh sau đẻ muộn”, lịch sử hình thành chỉ vài trăm năm nhưng vùng đất Bạc Liêu hữu tình với những con người quê mặn mà, thuần hậu đã luôn chiếm được cảm tình của bạn bè gần xa. Đâu đó nơi quanh năm đồng đất, trắng ngần muối mặn, hình ảnh những người dân bình dị nhưng sẵn sàng hết lòng với đời, với người đã tạo nên một Bạc Liêu rất riêng, rất đỗi yêu thương…

Thầy giáo Huỳnh Hồng Phi(bìa phải) tặng quà cho người lao động nghèo.

Chuyện thầy giáo “mê” làm từ thiện

Giảng dạy tại Trường THCS Ninh Bình - Bạc Liêu (Phường 2, TP. Bạc Liêu) nhưng thầy giáo Huỳnh Hồng Phi lại được rất nhiều người biết đến với hình ảnh một người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia, tương trợ những mảnh đời bất hạnh.

Công tác chuyên môn ở trường khá bận rộn, lại kiêm việc của Tổng phụ trách Đội, nhưng anh luôn tranh thủ thời gian trống để tìm hiểu và kết nối nguồn vận động cho người nghèo, bệnh tật. Nhẩm tính hơn 4 năm, anh cùng với những người bạn đồng hành đã vận động nguồn hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/trường hợp.

Gắn bó thân thiết với thầy giáo Phi là ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Bạc Liêu. “Anh Phi rất giàu lòng thương người. Thấy ai khốn khổ, xa xôi cỡ nào anh cũng sẵn lòng đến giúp. Từ những việc làm giàu nghĩa tình của Phi, Hội đã đề cử anh làm Đội trưởng Đội tình nguyện viên kết nối yêu thương với mong muốn tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp đến với đời, với người”, ông Hùng chia sẻ.

Với tâm nguyện giúp người nghèo vơi gánh nặng mưu sinh trong dịch COVID-19, chính anh Phi đã cùng Hội Chữ thập đỏ TP. Bạc Liêu đưa ra sáng kiến lắp đặt máy ATM gạo miễn phí. Chiếc máy ra đời khiến người lao động nghèo rất phấn khởi, có hơn 7.000 lượt người được nhận gạo. Những ngày đồng bào miền Trung oằn mình chống bão, anh cũng góp phần vận động hỗ trợ số tiền không nhỏ. Hết lòng với công việc thiện nguyện, thầy giáo Phi được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen ghi nhận nghĩa tình và đóng góp của anh cho công tác cứu trợ người nghèo.

Trên đường đi làm thuê, gặp nơi nào có “ổ gà” là anh Phạm Hoàng Khải ra tay vá lại. Ảnh: T.H

Lan tỏa điều tốt đẹp đến mọi người

Tôi cũng biết đến anh Phạm Hoàng Khải (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) là người thợ hồ gần 10 năm âm thầm vá đường, sửa cầu nông thôn để bà con đi lại, giao thương dễ dàng.

Tuy cuộc sống riêng không dư dả, nhưng sau những giờ cật lực với nghề hồ, anh Khải vẫn xin cát, xi-măng thừa tại nơi làm thuê, lặng lẽ tiết kiệm tiền công để đắp vá hàng chục ki-lô-mét đường và cầu hư hỏng, với trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Công việc thầm lặng ấy có khi được thực hiện từ sáng sớm, cũng có khi leo lét trong ánh đèn đêm. Ở bất cứ đâu, nơi nào cầu, đường xuất hiện “ổ gà”, nơi đó có mặt người thợ hồ tên Khải.

Ông Lý Hoài Phong, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Bình, cho biết: “Khi điều kiện địa phương còn khó khăn trong huy động kinh phí nâng cấp, sửa chữa công trình giao thông thì việc làm của anh Khải rất đáng trân trọng. Không chỉ giúp xã, mà trên đường làm thuê, thấy ở đâu cần, anh giúp ở đó. Anh Khải được Huyện ủy Hòa Bình tuyên dương điển hình tiên tiến trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những việc làm vì cộng đồng của anh hiện đã lan tỏa ra nhiều người, nhiều ấp trong xã với hình thức tương tự”.

“Có thể làm được điều gì tốt đẹp cho đời, có ích cho mọi người thì tôi luôn dùng hết tâm sức để làm, như lời Bác Hồ đã dạy chúng ta. Lan tỏa ngày càng nhiều việc thiện, việc tốt cho đời là tâm niệm lớn của tôi”, người thợ hồ 38 tuổi tâm sự.

Là một người con đất Bạc Liêu, tôi luôn tự hào quê mình có những con người giàu lòng nhân ái, sống trọn chữ tình. Đó là những nông dân chân đất vẫn vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những nghĩa cử đẹp; anh thợ hồ được tuyên dương điển hình học và làm theo Bác. Xứ Bạc Liêu còn có những tấm lòng chân chất, thật thà như chú Phan Văn Lượm (khóm 1, Phường 1, TP. Bạc Liêu) - một người mua ve chai với sáng chế dàn nam châm hút đinh giúp người đi đường tránh khỏi tai nạn bất ngờ vì thủng lốp xe. Và trên đường phố hàng ngày, vẫn luôn có người hỗ trợ những bữa cơm từ thiện, ổ bánh mì, bình nước miễn phí giúp người qua đường…

“Trái tim để trên lòng bàn tay” - một sự ví von đầy hình tượng mà bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương từng nói về tính cách người Bạc Liêu khiến nhiều người tâm đắc. Ngụ ý của câu nói đó là tính phóng khoáng, cởi mở, chân thật và giàu nghĩa tình của người dân xứ này. Vâng! Quê tôi đó, người dân quê tôi đó, dẫu trăm năm vẫn nguyên vẹn một chữ tình!

Mai Đinh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.