Xuân Tân Sửu 2021
Tục đón Quan Trời trong ngày tết của người Hoa ở Bạc Liêu
Cứ mỗi dịp xuân về, cùng với tục trang trí nhà cửa cho thật đẹp thì cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu còn quan tâm đến việc dọn bàn thờ ông Thiên (ông Trời) để đón tết. Đối với cộng đồng người Hoa, tục cúng ông Trời rất quan trọng trong ngày tết, vì ngoài ý nghĩa thể hiện tấm lòng với “cha trời, mẹ đất” còn gắn với tục thờ Quan Trời thường được đặt dưới chân bàn ông Thiên với bài vị được ghi dòng chữ “Thiên quan tứ phước”.
Bàn thờ ông Thiên và thờ Quan Trời của người Hoa ở Bạc Liêu.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ ông Trời thông qua việc lập bàn thờ trước sân nhà đã có từ thuở khai hoang. Bởi đối với những lưu dân phải bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh luôn cần một điểm tựa về tinh thần với mong muốn được lập nghiệp bình an ở một vùng đất mới. Hay khi phải đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, họ lại cậy nhờ vào ông Trời như câu: “Tới đây lạ bến đậu nhờ, lạy trời bớt gió cho sóng trong bờ đừng chao”, và họ tin rằng ông Trời sẽ là người ban phúc “Ở hiền thời lại gặp lành, những người dân nhân đức trời dành phúc cho”…
Xuất phát từ ý nghĩa trên, tục thờ ông Trời, lập bàn thờ ông Thiên trở thành một nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất vốn được thiên nhiên ưu đãi mà theo cách nói dân gian là “Trời cho” nên người dân phải tôn trọng ông Trời và thể hiện tấm lòng của mình bằng việc thờ Trời, tế Trời vào mùng 9 tháng Giêng hàng năm.
Múa Thần Tài trong ngày tết ở TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.A
Trong tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa, ông Quan Trời (Thiên quan) được giao nhiệm vụ là ban phước (tứ phước) cho Nhân dân nên được người dân sùng kính. Do vậy, cùng với bàn thờ ông Thiên được đặt phía trên, dưới bàn ông Thiên là bàn thờ cùng ly hương thờ ông Quan Trời với bài vị ghi “Thiên quan tứ phước”. Tục thờ này không chỉ có ở các hộ gia đình mà ở các nơi thờ tự của cộng đồng người Hoa cũng xây dựng bàn thờ ông Thiên rất kiên cố để thờ Trời và thờ Thiên quan tứ phước.
Theo các tranh vẽ dân gian của Trung Quốc, vị Thiên quan này có hình dáng giống như ông Thần Tài. Đầu Thiên quan đội mũ cánh chuồng, mặc áo đỏ in hình rồng, sóng nước, tay cầm ngọc như ý tượng trưng cho quyền lực và trên mình lủng lẳng vàng bạc, châu báu, đặc biệt trên tay cầm miếng liễn với câu chúc: “Thiên quan tứ phước”.
Xuất phát từ ý nghĩa vị quan tượng trưng cho tài lộc nên trở thành một trong những bức tranh dân gian được người Hoa chọn treo nhiều nhất trong gia đình vào dịp tết. Vào đêm Giao thừa, người Hoa hay lập bàn hương án cúng ông Trời và mời vị Thiên quan này vào nhà vào thời khắc giao thừa để có tài, có lộc và cả thăng quan, tiến chức.
Tục thờ Trời, thờ Thiên quan tứ phước mang ý nghĩa giáo dục văn hóa truyền thống và trở thành một thứ văn hóa cát tường trong ngày tết của cộng đồng người Hoa.
Kiết Tường