Xuân Tân Sửu 2021
Viết tiếp ước mơ từ những ngôi trường vùng sâu
Quyện trong cái lạnh se sắt của đất trời những ngày lập đông là mùi của rơm rạ, của rong phèn - mùi hương quen thuộc đã nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ nghèo vùng nông thôn sâu. Ở nơi ấy, thầy và trò các trường đang phải giảng dạy, học tập trong điều kiện khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhưng vẫn không ngừng nỗ lực và chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đổi đời cho học sinh nghèo, thắp lên ánh sáng của những ngày mai tươi đẹp hơn…
Trường THPT Định Thành (huyện Đông Hải) hôm nay.
Ngày ấy thầy cô cũng từng mơ ước…
Ký ức về 12 năm đèn sách của cô Lê Phan Nhất Trinh (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Định Thành, huyện Đông Hải) gắn liền với những phòng học tiền chế bằng cây lá tạm bợ, những chuyến đò khẳm chở học sinh ngày hai bận đến trường. Thương nhất là mùa mưa bão, thầy trò phải vừa học, vừa hứng dột. Có đứa đến trường cứ như “bắt cá hôi” vì trượt ngã trên đường. “Điều kiện học hành khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng đám trẻ chúng tôi chưa bao giờ vắng học một ngày vì sợ bỏ mất những điều hay trong những bài giảng mới. Cứ thế, ước mơ đổi đời, đem chất xám về kiến thiết quê hương lớn dần theo năm tháng, hun đúc trong chúng tôi niềm tin mãnh liệt vào sự đổi thay, trù phú của một vùng quê mới trong tương lai. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi gần 10 năm qua tôi được cống hiến tại ngôi trường mình từng theo học và nhiều bạn bè cùng khóa với tôi cũng đang đóng góp sức người, sức của làm giàu đẹp quê hương này”, cô Trinh chia sẻ.
Được giảng dạy, cống hiến cho chính nơi đã từng dìu dắt mình ở bậc THCS, thầy giáo trẻ Huỳnh Văn Hòa (giáo viên Âm nhạc, Trường THCS Chu Văn An, huyện Hồng Dân) không thể quên được những khó khăn, thiếu thốn trăm bề của những ngày đầu trường vừa chia tách. Chỉ tay về những phòng cấp IV của khu hiệu bộ, thầy bảo rằng đó là vết tích của thời gian, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp về thầy cô, bạn bè của thầy ngày ấy. Cũng theo thầy Hòa, để có được sự bề thế, khang trang của hôm nay, thầy và trò nhà trường đã cùng nhau đi qua những tháng ngày đầy khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn lực. Nhưng chính tình yêu thương, tâm huyết của các thầy, các cô dành cho học trò nghèo ở vùng sâu đã giúp thầy và những học trò ngày ấy có thêm động lực để phấn đấu, mạnh dạn chạm tay vào ước mơ và khát vọng đổi đời, góp chất xám để làm nên diện mạo mới của Hồng Dân hôm nay.
Tận mắt trông thấy những tràng pháo tay giòn giã và ánh mắt háo hức của học sinh lớp 10C1 (Trường THPT Tân Phong, TX. Giá Rai) khi cô giáo trẻ Phạm Kiều Giao (giáo viên Ngữ văn) xuất hiện trước cửa lớp, chúng tôi hiểu rằng đó chính là động lực để cô giáo trẻ ấy chấp nhận mất 2 giờ chạy xe mỗi ngày từ Phó Sinh (huyện Phước Long) để đến trường trao truyền tri thức cho các em. Bởi, hơn lúc nào hết, cô hiểu rằng học trò vùng sâu này đang rất cần mình, cần những bài giảng mới, những sự động viên mang tính định hướng để tiếp tục nuôi dưỡng những mơ ước nghề nghiệp tương lai - ước mơ mà ngày xưa cô đã từng khao khát và nỗ lực để vươn tới.
Cô Phạm Kiều Giao (Trường THPT Tân Phong, TX. Giá Rai) hào hứng cùng học trò trao đổi bài học mới.
Thổi bùng lên những khát vọng tương lai
Giáo dục vùng sâu là vậy, luôn phải đối diện với những khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt nhưng dường như càng khó khăn thì các thầy cô lại thêm quyết tâm bám trường bám lớp và thêm thủy chung son sắt với nghề. Cũng bởi trót cảm thương những ánh mắt, trót “say” những nụ cười hồn nhiên của học trò nơi vùng sâu mà họ nguyện lòng sẽ mang đến cho các em tia hy vọng về sự đổi đời, trao cho các em chiếc chìa khóa vàng của tri thức để tự tin mở cánh cửa tươi đẹp của tương lai.
Cũng bởi từng đi qua những tháng ngày gian khó, nỗ lực để tỏ ra không kém cạnh với bất kỳ học sinh nào nơi thành thị nên cô Trinh, thầy Hòa, cô Giao đặc biệt cảm thông với những hoàn cảnh của học trò nghèo nông thôn sâu. Có em một buổi đến trường, một buổi phải tranh thủ đi bán vé số, làm phụ hồ, giúp việc cho các quán ăn, hái rau mang ra chợ bán hoặc ai thuê gì làm nấy để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học. Với các em, được đến trường đã là một niềm hạnh phúc lớn lao, nên đặc biệt trân trọng mỗi giờ lên lớp.
Thầy và trò Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đ.K.C
Em Nguyễn Hữu Sâm (lớp 12C5, Trường THPT Tân Phong, TX. Giá Rai) tâm sự: “Vì gia cảnh quá khó khăn nên mỗi dịp được nghỉ hè, những ngày lịch học chính khóa ít, em lại tranh thủ xin làm phụ hồ ở các công trình. Vất vả là vậy nhưng em luôn lạc quan khi nghĩ về tương lai. Bởi em tin rằng chỉ có học hành mới là con đường giúp em có được một cuộc sống tươi đẹp hơn ở tương lai. Sự động viên của cô Giao, những sẻ chia từ chính hành trình chinh phục tương lai của cô và các thầy cô khác trong trường đã giúp em có thêm động lực để tiếp tục nuôi dưỡng mơ ước của đời mình”.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, với vùng sâu thì giáo dục còn là chiếc chìa khóa vạn năng để mở ra những ước mơ, khát vọng. Nhưng khát vọng, ước mơ ấy có bay cao, bay xa và trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào những người thầy biết truyền cảm hứng, biết thổi bùng lên ngọn lửa để những khát vọng vươn ra khỏi chốn đồng bưng, khỏi lũy tre làng…
KIM TRÚC