Xuân Tân Sửu 2021

Xuân này, có một niềm vui mới...

Thứ Ba, 02/02/2021 | 13:56

Không thùy dương cát trắng hay đại ngàn hoang sơ hùng vĩ; không đình, đền, miếu mạo hàng ngàn năm tuổi… một sáng xuân Bạc Liêu - chiêm bái pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bên bờ biển Đông mặn mòi gió biển, ngắm dải đất đang mỗi ngày mỗi mọc thêm những công trình để đời, mang khát vọng Bạc Liêu, nơi đất đai Tổ quốc đang ngày đêm rì rầm lấn biển, những chong chóng điện gió cần mẫn quay, đại dự án điện khí hóa lỏng LNG đang dần tịnh tiến đến ngày động thổ… Ngẫm về sự chuyển động đa chiều ấy, lòng rộn vui trong nắng ấm xuân này.

Quảng trường Hùng Vương Bạc Liêu.

Thật khó tả cảm giác lúc hay tin Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu, dự án có quy mô đầu tư lớn nhất ở Bạc Liêu kể từ ngày tái lập tỉnh chính thức khởi động, hứa hẹn đưa Bạc Liêu bước vào trang sử mới: Tự cân đối được ngân sách, chấm dứt việc phải nhờ Trung ương điều tiết, hỗ trợ hằng năm như đó giờ nữa. Rồi thì hàng loạt dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được bổ sung quy hoạch, được khởi công xây dựng; Khu nông nghiệp công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh cùng hàng loạt dự án phát triển kinh tế - xã hội mọc lên ở vùng Nam Quốc lộ 1A đã và đang tượng hình… Năm 2020 đã ghi dấu mốc vô cùng quan trọng của một Bạc Liêu tự tin, ngay ngắn ngay trong năm đầu tiên bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI.

Lại nhớ về Bạc Liêu của một thuở chưa xa. Cái thời mà từ cấp lãnh đạo đến người dân triền miên trong đau đáu niềm chung, niềm riêng: Vì đâu xứ sở của bài Dạ cổ hoài lang danh giá, của muối Ba Thắc vang bóng một thời, của những đồng lúa mênh mông, cá tôm đầy ắp; xứ sở của những con người hào phóng, nhân hậu, trọng nghĩa trọng tình, rạch ròi, cương trực, cần cù, siêng năng… mãi chưa thoát được phận nghèo?... Rồi như một lẽ tự nhiên, năm 1997 Bạc Liêu tái lập tỉnh lần hai. Khách quan lịch sử bắt nguồn từ nhu cầu tự thân đã khơi dậy nỗ lực tự thân hợp lẽ tự nhiên. Chỉ hơn 3 năm sau, Bạc Liêu mau mắn chuyển mình bằng bước ngoặt chuyển đổi sản xuất, phát huy tối đa tiềm năng đất vườn tạp, đất phèn mặn trồng lúa không hiệu quả, đất bỏ hoang… để nuôi tôm. Nếu không có câu chuyện đưa con tôm lên đồng ruộng, để “con tôm ôm gốc lúa, cây lúa múa cùng tôm”, không biết đến bao giờ người nông dân Bạc Liêu mới thoát nghèo, thôi khổ. Gần 10 năm sau cuộc chuyển đổi lúa tôm đó, cuộc chuyển mình của thành phố tỉnh lỵ mở ra cơ hội vươn mình, để Bạc Liêu bước qua giai đoạn mới. Nhiều nhà đầu tư đến với Bạc Liêu. Cánh đồng điện gió hình thành, ghi dấu son cho miền Dạ cổ hoài lang, lần đầu tiên đóng góp cho quốc gia bằng dòng điện sạch, thắp sáng bao công trình, làm khởi sắc bao miền quê khó khăn nghèo thiếu; những công trình quốc kế dân sinh khác cũng theo đó mà lần lượt tượng hình…

Thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh trong nhà kín của Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu.

Bên thềm xuân, phác họa diện mạo một Bạc Liêu phát triển bền vững, trở thành tỉnh khá trong tương lai, không khó để nhận ra, chặng đường gian nan đã qua và lộ trình đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm thách thức, cam go phía trước, nhất nhất đều đã và sẽ phải thuận theo lẽ tự nhiên và không thể tách rời các giá trị văn hóa. Năm 2013, trong câu chuyện chọn cho Bạc Liêu một biểu tượng văn hóa, biểu tượng Cây đờn kìm cách điệu cuối cùng được chốt chọn, bởi nó chứa đựng trong đó tính văn hóa - nhân văn: trăng là nguyệt (đờn kìm), hàm chứa chất thơ, lãng tử của người dân Nam Bộ; sen hồng biểu thị cho cốt cách người Việt Nam; tổng thể biểu tượng đờn kìm được nâng đỡ bởi những cánh sen hàm chứa giá trị văn hóa đờn ca tài tử cùng tính nhân văn được gìn giữ và phát triển. Câu chuyện về Nhà hát Ba nón lá độc đáo thì lại được lấy ý tưởng từ phác thảo hình ảnh 3 người nông dân đội nón lá đang cần mẫn làm việc trên thửa ruộng của mình; đặt con người làm trọng tâm, chắt lọc bản sắc cá nhân làm dữ kiện nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm kiến trúc độc đáo mang hàm lượng văn hóa cao, đặc trưng cho vùng đất vốn dĩ thuần nông này.

Điểm mấu chốt gắn kết 5 trụ cột mà tỉnh nhà xác định từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, vừa được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiếp tục khẳng định, đó là vấn đề con người. Trong chiến lược xây dựng hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm du lịch đặc thù, Bạc Liêu đang nhắm đến tính chuyên biệt để tạo nên sự khác biệt; khác biệt, để có những sản phẩm du lịch đặc thù, đơn nhất. Điển hình là đã và đang ứng dụng thành tựu phát triển OCOP của người Nhật. OCOP được hiểu là “mỗi xã, phường một sản phẩm”; là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh lam thắng cảnh các địa phương - những sản phẩm vốn đang là tiềm năng, lợi thế của địa phương nhưng chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Câu chuyện ở đây là: Mỗi cá nhân cũng phải có một “ô-cốp” cho riêng mình. “Ô-cốp” cá nhân của người Nhật tạo nên OCOP làng xã của nước Nhật, nó thành công và bền vững bởi “ô-cốp” cá nhân hàm chứa “ADN văn hóa” cá nhân của mọi công dân Nhật được kết tinh thành sản phẩm cấp quốc gia. “Ô-cốp” ấy chính là một quan niệm sống của người Nhật: Giá trị sống là tinh thần làm việc chứ không thuần túy chỉ vì lợi ích kinh tế hay địa vị xã hội! Đó phải là công việc mà mình yêu thích, việc làm mà mình có sở trường và làm giỏi, việc làm ấy sẽ hái ra tiền và là việc làm mà xã hội đang cần. Cứ theo đó, nếu chỉ coi OCOP thuần túy là phương cách làm giàu, không chú trọng giá trị văn hóa, chẳng khác gì đó chỉ là tăng trưởng kinh tế mà thôi, chưa thể gọi là phát triển bền vững.

Công nhân thi công các trụ tua-bin Điện gió Đông Hải 1. Ảnh: M.Đ

Một chị bạn, trong một bài báo của mình cách nay lối 10 năm trước, đã viết: “…điều kiện đủ của Bạc Liêu hôm nay và ngày mai là một tầm nhìn, một tư duy trẻ để thoát khỏi những ám ảnh năm xưa, vận dụng khoa học những bài học cũ để tính toán cách đi qua những cơn bão thời đại trong thế giới đầy biến động này một cách an toàn và hữu hiệu”. “Ám ảnh” ấy là gì? Ấy là lúc mới thực hiện chuyển đổi lúa - tôm (năm 2000), trong buổi đầu nông dân dẫn mặn nhập điền nhưng chưa tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, thiếu kinh nghiệm, chi phí trung gian cao, giá trị sản phẩm làm ra tuy tăng 5,1 lần nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng có 2 lần. Rồi thì, không có vốn tái đầu tư, nông dân mới “chập chững” nuôi tôm để mong cuộc đổi đời đã đua nhau cải tạo ao đầm bằng thuốc trừ sâu và các loại hóa chất cấm, môi trường nuôi tôm càng ô nhiễm nặng. Chủ trương chuyển đổi đâu có sai, nhưng chỉ vì do con người ứng xử vô cảm với tự nhiên, thiếu đầu tư, thiếu định hướng, và thiếu cả những giải pháp tạm gọi là “dài hơi”; chỉ thấy và chỉ nghĩ cái lợi trước mắt; phát triển quá “nóng” khi nhiều nơi vẫn chưa hội đủ các điều kiện cần và đủ.

Trong tâm thức Việt, vẻ đẹp của hình tượng con trâu là sức mạnh cả thể chất lẫn tinh thần; bền bỉ, nhẫn nại, cần cù, chịu thương chịu khó... Bên thềm xuân mới Tân Sửu - 2021, tản mạn đôi dòng trong không gian đang ngày một tràn ngập sắc xuân, những công trình đang ngày một tượng hình cho quê hương thay da đổi thịt, ta cùng chúc nhau những điều tốt đẹp; gieo niềm tin, trồng nỗ lực để gặt hái mùa vụ bội thu.

Nhã An

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.