Y tế - Sức khỏe
4 nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe
Bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin, khoáng chất và các chất xơ (các loại rau, củ, trái cây…).
Nhóm bột đường: Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Trong bữa ăn của người Việt thì gạo là lương thực được sử dụng nhiều nhất, cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác (như khoai lang, khoai tây, bắp…) để làm đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường lợi ích cho sức khỏe. Người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm, do đó làm cho tính cân đối của khẩu phần không được đảm bảo. Với người trưởng thành, năng lượng từ nhóm các chất bột đường chỉ nên chiếm 60 - 65% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp (chiếm 20 - 25%) và chất đạm (chiếm 10 - 15%).
Nhóm chất đạm: Cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (như thịt, cá, trứng, sữa...) và đạm thực vật (từ các loại đậu, đỗ…). Các loại thịt đỏ (như thịt heo, thịt bò…) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout… do đó không nên ăn quá nhiều. Nên tăng cường ăn các loại thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần, ăn các loại hạt đậu, cũng là nguồn đạm thực vật tốt.
Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật): Giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D, E, K. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, vì thế nên sử dụng hạn chế. Mỡ cá và mỡ gia cầm lại có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt là omega 3, omega 6, omega 9, rất có lợi cho sức khỏe. Các loại dầu thực vật cũng thường có nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải…, hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Thực phẩm chế biên sẵn như mì ăn liền có nhiều chất béo chuyển hóa thể trans cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nên hạn chế ăn.
Nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, trái cây…): Cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Các loại rau lá màu xanh sẫm và các loại rau, trái cây màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng, cung cấp chất sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt giúp cơ thể trẻ em tăng trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó rau, trái cây còn chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính không lây. Ăn ít rau và trái cây được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số trường hợp tử vong trên thế giới. Ăn ít rau và trái cây còn được ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ.
Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận… Hiện nay đa số người dân đều ăn thừa muối từ 2 - 3 lần so với nhu cầu khuyến nghị là 5g muối/ngày.
T.L (tổng hợp)
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ
- Bổ nhiệm bà Đỗ Ái Ngọc giữ chức Phó Chánh Thanh tra tỉnh
- Giải bóng đá mi ni chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam
- Đảng bộ Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu báo công dâng Bác
- Trao chứng chỉ bồi dưỡng tiếng Khmer cho 58 học viên