Y tế - Sức khỏe
Ấm áp tình người tại khu vực phong tỏa
Khi ấp Xóm Lớn A (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên thì hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã có mặt làm nhiệm vụ tại 3 chốt chặn ở các lối vào khu vực phong tỏa với chỉ đạo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Giữa lúc ấy, chúng tôi đã đến “tâm dịch” để ghi nhận cuộc sống của những hộ dân, những nỗ lực của lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây. Họ đã túc trực bất kể ngày đêm, dù mưa hay nắng, vì sự an toàn của người dân.
Lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển thức ăn tôm cho người dân.
Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường trong khu vực phong tỏa
Ngay từ ngày 29/5/2021, khi Bộ Y tế công bố ca bệnh 6572 là trường hợp nữ (ngụ ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) về từ quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), huyện Hòa Bình đã lập khu phong tỏa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xung quanh nhà của bệnh nhân này với 45 hộ gồm 130 nhân khẩu.
Khi chính quyền lập các chốt làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên các tuyến vào khu vực phong tỏa, nhiều người dân rất bất ngờ. Một làng quê yên bình bỗng nhốn nháo, người người, nhà nhà lo lắng không biết chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, sau khi được thông báo về trường hợp ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng và yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh nên người dân đã rất hợp tác, tuân thủ đúng các khuyến cáo của ngành chức năng.
Vận chuyển nhu yếu phẩm vào khu vực phong tỏa cho người dân.
Có mặt tại khu vực phong tỏa này vào một buổi sáng, tôi tình cờ gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Mậu, Trưởng Công an xã Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình). Anh cũng vừa đến chốt để kiểm tra tình hình, động viên anh em làm nhiệm vụ. Trao đổi nhanh với tôi, Thiếu tá Mậu cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã phong tỏa khu vực xung quanh nhà bệnh nhân. Tất cả lực lượng công an, quân sự xã… đều tham gia làm nhiệm vụ ở 3 chốt chặn. Ngoài ra, chúng tôi còn được Công an huyện tăng cường lực lượng để tiếp sức. Anh em làm nhiệm vụ ở đây rất vất vả, đặc biệt là vào ban đêm có rất nhiều muỗi và những hôm trời mưa dông. Dù cực khổ nhưng vì sự bình yên của người dân, chúng tôi quyết tâm làm tốt nhiệm vụ được giao”.
Sau đó, anh cùng một vài cán bộ đi vào khu phong tỏa để thăm hỏi đời sống người dân. Một lúc sau, trở ra anh cho biết: “Bà con vẫn bình thường. Mọi sinh hoạt, sản xuất đều không bị đình trệ”. Trong khu vực phong tỏa có rất nhiều hộ nuôi tôm, nuôi cá kèo. Vì thế, hàng ngày có hàng tấn thức ăn được chuyển vào. Thức ăn tôm, cá kèo khi được người bán chở đến chốt chặn, các lực lượng đã hỗ trợ vận chuyển qua chốt, sau đó người dân từ trong khu vực phong tỏa ra nhận, chở về.
Trao đổi với anh N.V.T (một người dân trong khu vực phong tỏa) qua điện thoại, anh cho biết cuộc sống trong khu vực này vẫn bình thường. Dù không được đi ra khỏi đây nhưng mọi việc vẫn diễn ra như trước. Người dân nếu muốn mua thứ gì thì liên hệ với lực lượng tại chốt chặn qua điện thoại hoặc viết giấy gửi ra. Sau đó sẽ được tổ phục vụ nhu yếu phẩm đi mua dùm rồi chuyển vào hoặc tự đi ra lấy.
Tôi đã được mục sở thị các chị em phụ nữ xã làm nhiệm vụ trong tổ phục vụ tay xách, nách mang khi đi chợ về, mua dùm người dân trong khu vực phong tỏa nào là trái cây, nhu yếu phẩm, thậm chí còn mua dùm người dân cả… vé số.
Chia rau củ quả do mạnh thường quân tặng người dân trong khu vực phong tỏa.
Bữa cơm nghĩa tình trong vùng dịch
Lúc tôi đến cũng có rất nhiều mạnh thường quân mang thức ăn, nước uống đến chốt chặn để tặng lực lượng làm nhiệm vụ và người được cách ly. Người thì mang cơm hộp, người thì tặng rau củ quả cho các hộ dân trong khu vực phong tỏa. Một vị sư nữ là Trụ trì chùa trên địa bàn xã cũng đã rất chu đáo tự làm nước sâm, nước hoa đậu biếc và hột é, cho vào chai nhựa, ướp lạnh sẵn rồi mang đến tặng… Tấm lòng đó thật sự khiến người ta cảm động. Một chai nước, một hộp cơm hay một vài ký rau củ quả dù không đáng giá bao nhiêu nhưng vẫn rất đáng quý, bởi nó thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, sự sẻ chia khó khăn đó thấm đẫm hai tiếng “đồng bào”.
Khi hàng chục ký rau củ quả được một nhóm mạnh thường quân từ xã Vĩnh Thịnh, thị trấn Hòa Bình mang đến, không ai bảo ai, các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại chốt cùng xúm vào chia nhỏ ra thành nhiều phần. Sau đó, họ vận chuyển những phần quà ý nghĩa này vào đến từng hộ dân.
Tại đây, tôi gặp một bé gái khoảng 11 tuổi. Hỏi lý do mới biết do cha em đi làm nhiệm vụ tại chốt chặn đã 7 ngày không về nhà, nên em nhớ cha quá, nhờ chú chở đến để được nhìn cha.
Người dân trong khu vực phong tỏa ra chốt chặn vận chuyển thức ăn nuôi tôm về nhà. Ảnh: C.K
Chia tay anh em làm nhiệm vụ nơi chốt chặn, tôi về trụ sở xã Vĩnh Mỹ A - nơi đặt bếp ăn nấu cơm cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn xã. Phụ trách bếp ăn là 2 chị đã lớn tuổi. Một chị cho biết, trước đây làm ở Hội LHPN xã, đã nghỉ hưu nhưng thấy anh em làm nhiệm vụ vất vả quá nên tự nguyện vào đây nấu cơm cho anh em ăn.
Nhân tới bữa, chị mời tôi ở lại ăn cơm. Bữa cơm trong vùng dịch đơn sơ chỉ với rau má sống chấm cá trê kho, canh mướp nấu với khoai lang tím nhưng ngon lạ thường. Một chị cho biết, đây là rau má vườn, người dân mang đến cho. Còn mướp, khoai lang, người dân cũng cho luôn.
Bữa cơm đơn sơ mà rất rôm rả. Ăn xong, không ai bảo ai, mỗi người tự mang chén đũa của mình đi rửa.
Hơn 12 giờ trưa, từ trụ sở xã, tôi từ giã các anh chị em rồi về TP. Bạc Liêu. Trong lòng thấy ấm áp lạ thường. Giữa tâm dịch COVID-19, tình người vẫn chan hòa. Những bữa cơm nơi vùng dịch vẫn đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Đặc biệt là những bữa cơm trong khu vực phong tỏa của người dân vẫn luôn được sự quan tâm của cả cộng đồng khi gửi tặng từng củ khoai, trái mướp…
Châu Khánh
- Giả danh nhân viên ngành Điện gọi điện cho khách hàng để lừa đảo
- Vật tư thiết bị lưới điện bị mất cắp gây thiệt hại hơn 163 triệu đồng
- Hơn 350 trường hợp nhà ở, công trình vi phạm an toàn lưới điện
- UBND tỉnh định hướng sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện
- Liên hoan Tiếng hát học sinh - sinh viên tỉnh Bạc Liêu lần thứ I