Y tế - Sức khỏe

Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con

Thứ Hai, 02/12/2024 | 16:45

Tại huyện Hòa Bình, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh vừa phối hợp với Ban Chỉ đạo 138 huyện Hòa Bình tổ chức lễ mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12). Thông tin từ Ban Chỉ đạo 138 tỉnh cho thấy, nhiều năm qua, Bạc Liêu đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp, phòng chống HIV/AIDS và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, đặc biệt là Bạc Liêu không có trường hợp lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Quang cảnh lễ mít-tinh.

HƯỚNG TỚI CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS VÀO NĂM 2030

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Chủ đề này tương đồng với chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống AIDS do Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra năm 2024: “Take the Rights Path” (Đảm bảo quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe). UNAIDS nhấn mạnh rằng, với việc đặt con người làm trung tâm và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

Năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hằng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV.

Bác sĩ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh phát biểu tại lễ mít-tinh.

Điều trị HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu, hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện.

Tại Việt Nam, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân được nâng cao rõ rệt; hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ; các chương trình điều trị và dự phòng được mở rộng. Những kết quả này đã giúp Việt Nam giảm số người nhiễm mới, giảm các ca chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS.

Các lực lượng tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS. Ảnh: C.K

NỖ LỰC CỦA BẠC LIÊU

Phát biểu tại lễ mít-tinh, bác sĩ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, cho biết: “Tại Bạc Liêu, tính đến ngày 31/10/2024, toàn tỉnh ghi nhận 3.251 người nhiễm HIV. Trong đó, 1.425 người đã tử vong do AIDS, số người còn sống là 1.826 người. Trong 10 tháng của năm 2024, ghi nhận 120 người nhiễm HIV mới, tử vong 46 người”.

Về tỷ lệ người nhiễm mới, Bạc Liêu ghi nhận khoảng 15 người nhiễm mới/100.000 dân. Tỷ lệ tử vong liên quan đến AIDS của tỉnh là khoảng 5 người/100.000 dân. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh là 0%.

Với nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Bạc Liêu đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ người nhiễm mới được phát hiện hằng năm vẫn còn nhiều. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng. Trong khi việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là trong các nhóm nam quan hệ đồng giới, người sử dụng ma túy, người mua - bán dâm, người di biến động…

Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn khá nặng nề. Mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch trở lại nếu chúng ta không chủ động phòng, chống hay mất cảnh giác.

Để nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên thì cần tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, tác hại của ma túy… cũng như những cảnh báo nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS ở giới trẻ thông qua các tiết học ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết, sân khấu hóa… về HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng như các biện pháp dự phòng lây nhiễm và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh - sinh viên nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung.

KHÁNH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.