Y tế - Sức khỏe
Bạc Liêu: Nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19
Sáng 1/11/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh tổ chức họp với Ban chỉ đạo các địa phương về tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự cuộc họp còn có đoàn cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) do Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy làm trưởng đoàn. Cuộc họp nhằm chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các lực lượng tuyến đầu trên địa bàn tỉnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trao bảng tượng trưng tặng 2 máy thở của Công ty Thaco cho tỉnh Bạc Liêu.
SỐ CA MẮC VẪN Ở MỨC CAO
Theo ngành Y tế, tính đến 6 giờ sáng 1/11/2021, toàn tỉnh đã có 3.572 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên địa bàn. Trong đó, liên tục trong nhiều ngày, số ca nhiễm lên đến trên 400 ca/ngày. Riêng trong ngày 31/1/2021, dù số ca nhiễm giảm 32 trường hợp nhưng cũng có đến 382 ca được ghi nhận. Hiện đang có 2.415 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Trong ngày 31/10 ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số đến nay lên 29 người tử vong do COVID-19. Trong ngày 31/10/2021 cũng đã có thêm 63 bệnh nhân COVID-19 xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện là 1.180 người.
Việc các ca nhiễm liên tục tăng cao đã gây áp lực rất lớn lên công tác thu dung, điều trị cho các cơ sở y tế. Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở y tế thực hiện điều trị bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã và đang triển khai thành lập các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại tất cả các địa phương để đảm bảo công tác thu dung, điều trị cho các F0.
Bác sĩ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, cho biết: “Đối với công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, hiện chúng tôi thực hiện phân tầng điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Trong đó, ưu tiên trang thiết bị y tế cho tầng 3 thực hiện điều trị các bệnh nhân nặng, có can thiệp, thở máy… Hiện ngành Y tế cũng đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị… để thành lập thêm các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm đáp ứng đủ số giường bệnh khi số ca bệnh tiếp tục tăng”.
Theo nhận định, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng đột biến trong tuần qua. Đặc biệt là trên địa bàn TP. Bạc Liêu, TX. Giá Rai và huyện Đông Hải. Đáng lo ngại là trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua đều có gần 200 ca nhiễm được ghi nhận trong cộng đồng.
Đánh giá tình hình dịch bệnh, ngành Y tế nhận định trong 1, 2 tuần tới có thể xuất hiện thêm nhiều F0 từ các ổ dịch trong cộng đồng. Do đó, ngoài nỗ lực thực hiện các biện pháp khống chế, khoanh vùng phòng, chống dịch bệnh của ngành chức năng như: chủ động khoanh vùng, truy vết, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát… thì ý thức trách nhiệm của mỗi người dân cần được nâng cao hơn nữa.
Cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP. Bạc Liêu đặt tại khu ký túc xá Trường Chính trị Châu Văn Đặng. Ảnh: C.K
NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐIỀU TRỊ
Tại cuộc họp, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong quy trình điều trị, việc cấp cứu bệnh nhân nặng, phân tầng điều trị, cách ly tại nhà. Trong đó, việc bố trí, lắp đặt bình ôxy, ống tải ôxy là rất quan trọng, bởi khi bệnh nhân khó thở mà ôxy không cung cấp kịp thời sẽ rất dễ chuyển nặng, tử vong. Kế đó là đường tải điện cũng rất quan trọng khi cùng lúc rất nhiều thiết bị sử dụng điện, nếu đường điện quá tải dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ…
Sở Y tế cần phải thành lập bộ phận điều phối xe cấp cứu bệnh nhân, điều phối bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân. Các bác sĩ cũng lưu ý trong việc truy vết F1, phải xác định việc tiếp xúc như thế nào. Về điều trị bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho biết, việc phân loại bệnh nhân là rất quan trọng, bệnh nhân nào đã được tiêm vắc-xin 2 mũi, bệnh nhân nào chưa, bệnh nhân nào không triệu chứng, bệnh nhân trên 65 tuổi... đều phải có cách thăm khám riêng. Để thực hiện tốt việc điều trị F0 tại nhà, các bác sĩ cũng hướng dẫn việc sử dụng túi thuốc điều trị F0. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải có đội cấp cứu lưu động, đội điều trị F0 tại nhà.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hỗ trợ Bạc Liêu 35.000 liều vắc-xin Astrazeneca (trong đó Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ 5.000 liều), 18.000 liều vắc-xin Pfizer và xuất từ kho dự trữ hỗ trợ vật tư y tế cho Bạc Liêu. Đáng lưu ý, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tặng 2 máy xét nghiệm COVID-19, đồng thời sẽ cử các chuyên gia, chuyên viên có kinh nghiệm đi cùng để hỗ trợ cho Bạc Liêu. Dịp này, thông qua Bệnh viện Chợ Rẫy, Công ty Thaco tặng Bạc Liêu 2 máy thở (trị giá 1 tỷ đồng) và cho mượn 5 xe vận chuyển bệnh nhân.
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng cảm ơn Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhiệt tình hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị cho tỉnh. Đồng thời chỉ đạo ngành Y tế tỉnh phải triển khai ngay đối với số vắc-xin ngừa COVID-19 được Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất hỗ trợ. Ưu tiên tiêm cho người dân tại 2 địa bàn đang có dịch bệnh phức tạp là TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai.
Ngành Y tế, các địa phương phải rà soát lại, kích hoạt các tổ COVID cộng đồng. Nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch của tỉnh; đề nghị các địa phương, các cơ quan sắp xếp cán bộ, công chức làm việc phù hợp theo cấp độ của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và cũng để người dân chủ động trong lao động sản xuất...
Thành viên Ban chỉ đạo các cấp phải bám địa bàn, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn phụ trách.
Thời gian tới, lãnh đạo các cấp, các ngành phải triển khai thực hiện đúng kế hoạch và thời gian khi tỉnh triển khai các công việc liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đề nghị ngành Y tế theo dõi tình hình dịch bệnh của các địa phương, trao đổi, phối hợp tốt với tổ công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy.
CHÂU KHÁNH
Bác sĩ Huỳnh Quang Đại - Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn sử dụng túi điều trị F0 tại nhà.
* Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Phấn đấu đến cuối năm 2021, toàn tỉnh tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đạt tỷ lệ trên 90%
Tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 của tỉnh Bạc Liêu hiện đạt trên 60%, mũi 2 đạt hơn 15%. So với cả nước, tỷ lệ tiêm vắc-xin của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn thấp, nên tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm các địa phương có tình hình dịch chuyển biến phức tạp. Chính phủ cũng đã chấp thuận và tăng cường phân bổ nguồn vắc-xin cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu. Song các tỉnh, thành được tăng cường nguồn vắc-xin phải tăng cường nguồn nhân lực để tiêm vắc-xin cho người dân. Nên sắp tới, tỉnh sẽ tập trung tiêm vắc-xin cho người dân, phấn đấu đến cuối năm đảm bảo toàn tỉnh đạt trên 90% dân số được tiêm để tạo miễn dịch cộng đồng. Thực tế cho thấy, các tỉnh, thành có lệ tỷ tiêm vắc-xin bao phủ cao thì tỷ lệ lây nhiễm bệnh COVID-19 trong cộng đồng ít đi; khi bị nhiễm thì tỷ lệ tử vong cũng thấp. Do đó, tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong thời gian tới.
MINH ĐẠT
* Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Cần có kế hoạch chuẩn bị sẵn nguồn máu dự trữ
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), chia sẻ: Một trong những công tác quan trọng nhất trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là tỉnh phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn nguồn máu dự trữ. Vì khi dịch bùng phát thì công tác hiến máu, thu dung nguồn máu không thể tổ chức được. Khi đó, nguồn máu điều trị cho bệnh nhân sẽ thiếu rất trầm trọng. Nếu không có đủ nguồn máu để truyền cho bệnh nhân thì đội ngũ y, bác sĩ dù có giỏi đến đâu cũng không cách nào cứu chữa cho bệnh nhân được.
* Bác sĩ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế: Tỉnh chưa triển khai điều trị F0 tại nhà
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khi số ca mắc bệnh liên tục tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh nên mạnh dạn triển khai điều trị F0 tại nhà. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, cho biết:
Dù hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh với số ca nhiễm tăng nhanh nhưng với trách nhiệm của mình, ngành Y tế đã chuẩn bị từ trước các điều kiện để điều trị bệnh cho người dân. Theo đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đáp ứng số giường bệnh với từng tình huống khi dịch tăng 1.000, 2.000, 3.000, 4.000 ca. Khi số ca bệnh tăng đột biến trong khoảng một tuần nay thì chúng tôi đã cho triển khai thành lập các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến hiện tại, tỉnh có thể đáp ứng điều trị 4.000 ca bệnh cùng lúc trong điều kiện dịch bệnh bùng phát và số ca bệnh tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã khảo sát thêm các cơ sở để dự trù triển khai thêm các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các địa phương với tổng số 5.000 giường bệnh.
Với sự chuẩn bị chu đáo của ngành Y tế và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, hệ thống y tế trong tỉnh vẫn đảm bảo được công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở y tế. Do đó, tỉnh chưa có quyết định triển khai điều trị các F0 tại nhà trong giai đoạn này.
* Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt - Bệnh viện Chợ Rẫy: Không cách ly tại nhà đối với F0 thuộc các đối tượng trẻ em, người lớn tuổi, người bị béo phì
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cách ly F0 tại nhà, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các tầng với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 các cấp trên địa bàn tỉnh, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý không cách ly tại nhà các F0 đối với các đối tượng trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, người bị béo phì...
Để điều trị F0 tại nhà thành công, cần thành lập các Tổ chăm sóc COVID-19 tại nhà, tăng cường năng lực cho các Trạm y tế lưu động. Trạm y tế lưu động phải được trang bị các bình ôxy. Bình ôxy này không phải mang đến nhà cho bệnh nhân thở mà chỉ dành cho trường hợp chuyển bệnh từ nhà bệnh nhân lên tuyến trên khi bệnh nhân được điều trị tại nhà có dấu hiệu khó thở, chuyển nặng.
Tỉnh nên đặt bệnh viện tầng 2 ở các huyện. Nguyên nhân do nếu không có bệnh viện ở tầng 2, khi bệnh nhân chuyển nặng từ tầng 1 được chuyển thẳng lên bệnh viện tầng 3 sẽ gây mất rất nhiều thời gian, dễ dẫn đến bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.
Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cần cho các bác sĩ, điều dưỡng ở các chuyên khoa khác luân phiên làm việc ở khoa hồi sức ngay từ bây giờ. Bởi, nếu khi dịch bệnh diễn biến xấu sẽ không có đủ lực lượng bác sĩ hồi sức để chăm sóc cho bệnh nhân.
Tỉnh cũng cần vận động, thành lập lực lượng chăm sóc cho bệnh nhân nặng, bởi các bệnh nhân này không thể tự chăm sóc bản thân. Trong trường hợp có quá nhiều bệnh nhân nặng, nhân viên y tế không thể chăm sóc tốt cho bệnh nhân thì lực lượng hỗ trợ này rất cần thiết.
C.K (thực hiện)
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão số 10
- Tỉnh ủy Bạc Liêu: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách
- Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ năm 2025