Y tế - Sức khỏe
Bệnh đậu mùa khỉ: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Bệnh đậu mùa khỉ đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức họp khẩn và đưa ra những cảnh báo về căn bệnh này đang bùng phát. Hiện bệnh đã xuất hiện tại 12 quốc gia trên thế giới như Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Ý, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Mỹ, Úc, Canada và có nguy cơ lan sang nhiều nước khác.
Người bị bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ bị nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.
Đậu mùa khỉ là gì?
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, do vi-rút có “họ hàng” với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra. Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như phát ban, sốt, đau đầu…
Hầu hết những người nhiễm bệnh đều hồi phục sau vài tuần, tỷ lệ tử vong không cao. Tuy vậy, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, khả năng tử vong cao bao gồm: người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với vi-rút, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém…
Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ
Theo các tài liệu, chủng vi-rút này thuộc chi Orthopoxvirus trong họ vi-rút Poxviridae, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958. Do vi-rút gây bệnh được phát hiện ở 2 ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng nghiên cứu nên căn bệnh này cũng được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì khỉ không phải là tác nhân dẫn đến bùng phát dịch bệnh này. Theo WHO, nhiều khả năng loài gặm nhấm chính là nguồn lây lớn nhất nhưng vẫn chưa thể xác định chính xác.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Thời gian ủ bệnh
Nếu một người không may mắc bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh và phát hiện triệu chứng là bao lâu? Câu trả lời là, thông thường sau khi nhiễm vi-rút gây nên bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh có thể từ 5 - 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 - 14 ngày.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ
Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ gồm: sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch.
Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 - 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở:
Trên khắp gương mặt (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt); lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%); miệng; mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc); cơ quan sinh dục.
Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh).
Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo…) hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể khiến một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vì thế, nếu sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao.
Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh.
Tuy tiếp xúc gần với người bệnh được xem như một yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể kết luận được việc căn bệnh này có lây truyền qua đường tình dục hay không. Cần thêm các nghiên cứu khác để xác định vấn đề này.
Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ
Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ đang có xu hướng bùng phát khiến nhiều người lo lắng việc chẩn đoán bệnh, tuy nhiên trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng cần kiểm tra, tầm soát bệnh. Chỉ nên thực hiện tầm soát bệnh đậu mùa khỉ nếu như: đang sống chung, làm việc chung với người bị bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc bệnh; vừa đi du lịch đến một đất nước/khu vực đang xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ; bị cắn hoặc cào từ động vật bị nhiễm bệnh/nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ; ăn các loài động vật không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm bệnh; sống ở các khu vực rừng nhiệt đới, có các loài vật nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sinh sống.
Để thực hiện chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ, các bác sĩ sẽ thực hiện quy trình:
Tìm hiểu tiền sử bệnh
Các bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh xem đã tiếp xúc với người mắc bệnh hay chưa, từng mắc bệnh chưa hay có vừa đi qua các khu vực đang xuất hiện ca bệnh hay không… Từ đó, sẽ xác định khả năng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ của bạn.
Xét nghiệm
Ở bước tiếp theo, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm PCR mẫu chất lỏng hoặc các vết thương trên da, từ đó phát hiện vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể.
Sinh thiết
Cuối cùng, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện sinh thiết để xác định chính xác việc có nhiễm bệnh hay không.
Trong quá trình chẩn đoán, tầm soát bệnh thường sẽ không thực hiện xét nghiệm máu. Lý do là vi-rút gây nên bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ lưu lại trong máu một thời gian ngắn, khó phát hiện và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây tử vong không?
Đến đây, có lẽ câu trả lời cho câu hỏi đậu mùa khỉ là gì phần nào đã rõ. Vậy người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có thể gặp các biến chứng gì? Theo các tài liệu, các biến chứng thường gặp của bệnh này là: nhiễm trùng máu; viêm mô não; viêm phế quản phổi; nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực.
Các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành từng mảng lớn.
Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh (trẻ em có tỷ lệ tử vong cao hơn). Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3 - 6%.
Có thể nói, bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây lan giữa người với người hơn so với COVID-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng, nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, cần có những biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây hơn COVID-19 và các triệu chứng cũng không quá nghiêm trọng, nhưng đây vẫn là một căn bệnh nguy hiểm. Ảnh: Internet
Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Dù chưa ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam, nhưng việc phòng ngừa bệnh vẫn nên được chú trọng. Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh gồm:
Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ (động vật bị bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh…).
Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh.
Cách ly người có triệu chứng bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa. Dù chưa có vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có thể làm giảm đến 85% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
T.L (T.H)
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận