Y tế - Sức khỏe
Bệnh thủy đậu và những biến chứng nguy hiểm
Thời điểm này, bệnh thủy đậu đang bùng phát, lây truyền mạnh ở một số địa phương. Trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận các trường hợp trẻ em nhiễm bệnh. Vì thế, việc hiểu biết về căn bệnh này để phòng ngừa hiệu quả là vô cùng cần thiết.
Bệnh thủy đậu có thể gây sẹo.
Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu là bệnh lây truyền do vi-rút Varicella - Zoster gây nên. Khi một người bị nhiễm, vi-rút sẽ nhân lên ở các tế bào biểu mô của niêm mạc đường hô hấp trên. Sau thời gian ủ bệnh từ 10 - 21 ngày, cơ thể sẽ bắt đầu phát ban dạng mụn nước phân bố rộng rãi.
Theo ghi nhận, khoảng 90% số bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14. Ngày nay, nhờ vắc-xin và chương trình tiêm chủng mở rộng mà tỷ lệ mắc thủy đậu ở trẻ đã giảm đáng kể. Bệnh thủy đậu thường nặng hơn ở trẻ sơ sinh và người bị suy giảm miễn dịch. Đối với trẻ trên 1 tuổi, các triệu chứng thường nhẹ và ít biến chứng.
Thủy đậu là bệnh miễn dịch một lần. Điều đó có nghĩa nếu một người từng bị thủy đậu thì sẽ không tái mắc bệnh. Tuy nhiên, vi-rút vẫn tồn tại trong cơ thể người bệnh rất lâu sau khi đã khỏi bệnh. Nếu vi-rút hoạt động trở lại, nó có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng là Zona thần kinh.
Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ
Giai đoạn trẻ mới nhiễm vi-rút thủy đậu thường không có triệu chứng cho đến khoảng 2 - 3 tuần sau khi tiếp xúc mầm bệnh. Thủy đậu có 4 giai đoạn với những biểu hiện khác nhau.
Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài khoảng 10 - 14 ngày, tức là từ lúc nhiễm vi-rút đến khi cơ thể phát bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh không có biểu hiện gì cụ thể nên rất khó để phát hiện.
Giai đoạn khởi phát: Khi mắc bệnh, ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức toàn thân, sốt nhẹ, nổi hạch đằng sau tai, viêm họng, phát ban (những hồng ban nổi trên da, có kích thước 1 - 3mm, sau đó trong 24 giờ nó phát triển thành bọng nước).
Giai đoạn toàn phát: Sẽ thấy rõ các mụn nước hình tròn (đường kính khoảng 2mm) mọc ở toàn thân. Người bệnh sốt, hình thành các ban đỏ. Các ban đỏ này lúc đầu xuất hiện ở đầu, mặt, sau đó lan xuống thân mình và các chi. Tuy nhiên, ở những vùng ít tì đè như vùng liên bả, vùng mạng sườn thì tổn thương ban xuất hiện nhiều hơn, vùng 2 chi ít tổn thương hơn. Đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay hầu như hiếm gặp tổn thương.
Phát ban thường kéo dài 2 - 3 ngày, một số trường hợp đặc biệt có chấm sẩn nhỏ màu đỏ ở trên thân mình và hiếm khi người thường nhìn thấy, nhưng đây cũng là một trong những triệu chứng của phát ban. Sau khi phát ban sẽ xuất hiện các mụn nước. Các mụn nước này có hình ảnh như những giọt nước, giọt sương và có quầng đỏ xung quanh, làm cho bệnh nhân cảm thấy rất ngứa.
Ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như viêm họng, sốt cao hoặc hạch sưng nếu như bị nhiễm trùng. Người bệnh sẽ đau đầu nhiều hơn, chán ăn và giảm sốt so với lúc khởi phát.
Giai đoạn hồi phục: Mụn nước sẽ bị vỡ ra sau 7 - 10 ngày, khô lại và đóng vảy, bệnh dần khỏi, vùng da non của mụn nước có màu hồng. Khi mụn nước xuất hiện thì tiến triển của mụn nước lúc đầu có dịch màu trong, sau là màu vàng nhạt, dần dần khô và đóng vảy tiết. Thời gian xuất hiện vảy tiết kéo dài 4 - 5 ngày, sau đó tiến tới giai đoạn lành bệnh. Giai đoạn lành bệnh vảy tiết thường tồn tại từ 1 - 3 tuần rồi bong đi, khi bong sẽ để lại các dát màu hồng có thể có lõm hoặc trở về làn da bình thường. Các vùng lõm là do các mụn nước bị nhiễm trùng và tổn thương sâu.
Với trẻ khỏe mạnh đa phần bệnh sẽ không nghiêm trọng. Trong trường hợp nghiêm trọng, mụn nước có thể rất dày ở toàn bộ cơ thể, các tổn thương có thể ở cổ họng, mắt và niêm mạc của niệu đạo, âm đạo hoặc hậu môn.
Ảnh minh họa: Internet
Biến chứng có thể gặp ở bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm nhưng rất lành tính, biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ có thể sẽ gặp phải các biến chứng không mong muốn.
Các biến chứng có thể gặp là: nhiễm trùng tại chỗ, tổn thương mụn nước có thể bị viêm nhiễm, hóa mủ, loét sâu xuống và vỡ ra. Chỗ tổn thương đó có thể rỉ máu, thường gặp những biến chứng này ở trẻ nhỏ do gãi nhiều. Vi-rút này cũng có thể dẫn đến viêm phổi nếu trẻ bị mắc bệnh thủy đậu rất nặng. Rất hiếm khi vi-rút có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, dẫn đến viêm màng não hoặc viêm não. Nguy cơ xảy ra biến chứng này cao hơn ở những trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như do ung thư hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (điều trị lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ địa, vảy nến…). Khi bệnh thủy đậu đã khỏi, vi-rút Varicella - Zoster không hoạt động nhưng chúng vẫn trú ngụ ở trong cơ thể trẻ. Các vi-rút có thể hoạt động trở lại nhiều năm sau đó, dẫn đến bệnh Zona thần kinh. Tình trạng này gây ra phát ban trên da và đau dây thần kinh bị tổn thương. Bên cạnh đó, có thể mắc hội chứng Reye, nhưng rất hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ 4 - 9 tuổi, dẫn đến tình trạng bệnh não cấp tính kèm theo rối loạn chức năng gan, gan to.
Ngoài ra, một số biến chứng hiếm gặp khác như: suy thượng thận, viêm cầu thận, viêm cơ tim, biến chứng trên mắt.
Phòng ngừa bệnh thủy đậu
Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, nên hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh, nếu phải tiếp xúc thì đeo khẩu trang. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% hằng ngày. Cách ly người bệnh (thời gian cách ly từ lúc phát ban cho đến khi các nốt phỏng nước khô, bong vảy hoàn toàn). Tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, thời gian vắc-xin có hiệu lực là 3 tuần sau khi tiêm và thời gian miễn dịch (không mắc bệnh kéo dài trung bình 15 năm).
Các loại thực phẩm nên kiêng ăn khi mắc bệnh thủy đậu
Các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng như ớt, gừng, tiêu, mù tạt, tỏi, nhục quế… có thể gây nhiệt miệng hoặc đau họng. Ngoài ra, các món ăn mặn, chứa nhiều muối còn có thể gây kích ứng phát ban, tạo nốt phồng rộp, khiến tình trạng bệnh thủy đậu tồi tệ hơn. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như thịt, sản phẩm từ sữa có thể gây sưng viêm và khiến mụn đỏ xuất hiện lâu hơn.
Người bệnh cũng cần kiêng ăn hải sản vì có chứa nhiều Histamin gây dị ứng, ngứa. Những loại thực phẩm giàu a-xít như trà, cà phê, sô-cô-la có thể làm tổn thương những vùng da nổi mụn nước.
Đồ nếp như xôi, bánh chưng… có thể làm sưng tấy và mưng mủ nốt thủy đậu. Một số thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa như ngũ cốc, bánh mì, bánh quy giòn, khoai tây chiên, bơ thực vật… sẽ gây khó khăn cho tình trạng hấp thụ của cơ thể, làm tăng các vết lở, loét của người bị thủy đậu…
Nhục quế là thực phẩm kỵ nhất, rất nguy hiểm cho bệnh nhân thủy đậu.
Trúc Ly (TH)
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương