Y tế - Sức khỏe
Bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, bác sĩ tiết lộ dấu hiệu “3 tăng - 1 giảm”
Do áp lực công việc, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ngày càng nhiều người dưới 40 tuổi mắc bệnh tiểu đường.
Số lượng người trẻ mắc bệnh tiểu đường ngày càng cao. Ảnh minh họa: T.L
Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng liên quan tim mạch, mắt và thần kinh (39,5%), thận (24%).
Một người đàn ông 40 tuổi được phát hiện có chỉ số đường huyết lúc đói là 140 mg/dL trong lần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân cho biết, do áp lực công việc nên thường thức khuya, ăn ngoài, thiếu vận động, cân nặng đã tới ngưỡng béo phì.
Các chuyên gia đánh giá, con người hiện đại thường có cuộc sống căng thẳng, công việc bận rộn, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi không điều độ. Do đó, bệnh tiểu đường có xu hướng trẻ hóa, số lượng người mắc dưới 40 tuổi tăng dần qua từng năm.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh tiểu đường chủ yếu do chế độ ăn uống, lối sống thiếu lành mạnh. 80% số bệnh nhân có kèm theo các triệu chứng thừa cân, béo phì. Thông thường, chất béo được lưu trữ dưới da và trong các cơ quan nội tạng. Nếu bệnh nhân tiểu đường tiêu thụ quá nhiều calo, chất béo dư thừa sẽ tích tụ trong gan và tuyến tụy, gây lắng đọng mỡ và dẫn đến tình trạng kháng insulin.
Vai trò của insulin là giúp di chuyển đường vào tế bào. Ở những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, chức năng tiết insulin của tuyến tụy chỉ còn lại 50%. Khi đó, lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ tăng cao. Tình trạng này kéo dài còn có thể gây ra các bệnh đi kèm như bệnh võng mạc, sỏi thận, đột quỵ, bệnh tim mạch, tỷ lệ tử vong tăng 27%.
Các triệu chứng tăng đường huyết bao gồm ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, giảm cân. Khi có những dấu hiệu trên, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.
Chuyên gia nhắc nhở nếu bệnh nhân tiểu đường có chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 27 (ngưỡng thừa cân) và không thể kiểm soát được lượng đường huyết trong thời gian dài thì nên đi khám để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn là lượng đường trong máu kém và không kiểm soát được cân nặng.
TRÚC LY (T.H)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới đã vượt quá 800 triệu, tăng gấp 4 lần kể từ năm 1990. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người lớn trên toàn cầu đã tăng từ 7% lên 14% trong giai đoạn 1990 - 2022. Các nước thu nhập thấp và trung bình trải qua mức tăng lớn nhất, nơi tỷ lệ mắc tăng vọt trong khi khả năng tiếp cận điều trị còn thấp. 90% số ca bệnh không được điều trị đang sống ở các nước trên.
Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 đặt mục tiêu:
- Ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường.
- 55% người mắc đái tháo đường được phát hiện và 55% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
- 30% người tiền đái tháo đường được phát hiện và 50% số phát hiện được can thiệp dự phòng, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.
T.K
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu