Y tế - Sức khỏe
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng: Phải quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh
Đó là chỉ đạo của đồng chí Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh tại cuộc họp BCĐ vào sáng 15/11/2021. Cùng dự họp có các đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên BCĐ.
Cuộc họp được trực tuyến đến điểm cầu của các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: C.K
SỐ CA MẮC CỘNG ĐỒNG TRONG TUẦN GIẢM
Ông Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, cho biết: Trong tuần qua, toàn tỉnh có 1.678 trường hợp nhiễm COVID-19, giảm 291 trường hợp. Trong đó, số ca mắc mới trong cộng đồng là 648 trường hợp, giảm 181 trường hợp.
Theo đánh giá dựa trên các tiêu chí, ngành Y tế đề xuất chọn phương án 1 với cấp độ áp dụng toàn tỉnh là cấp độ 3. Theo đó, toàn tỉnh có 7 xã ở cấp độ 4, gồm: thị trấn Gành Hào, xã Long Điền, xã Long Điền Đông A, xã Long Điền Tây và xã Định Thành (huyện Đông Hải), xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), xã Tân Phong (TX. Giá Rai); cấp độ 3 có 18 xã, phường; cấp độ 2 có 28 xã, phường; cấp độ 1 có 11 xã, phường.
Đối với cấp huyện, ở cấp độ 4 không có. Cấp độ 3 có 3 đơn vị, gồm: TP. Bạc Liêu, huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình. Cấp độ 2 có 3 đơn vị, gồm: TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân, huyện Phước Long. Cấp độ 1 có 1 đơn vị là huyện Vĩnh Lợi.
Phương án 2 có mức độ dịch áp dụng toàn tỉnh là cấp độ 2. Trong đó, toàn tỉnh không có xã, phường cấp độ 4. Cấp độ 3 có 13 xã, phường, thị trấn. Cấp độ 2 có 22 đơn vị. Cấp độ 1 có 29 xã, phường, thị trấn. Đối với cấp huyện, không có cấp độ 4. Cấp độ 3 có 1 đơn vị là TP. Bạc Liêu. Cấp độ 2 có 3 đơn vị, gồm: TX. Giá Rai, huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình. Cấp độ 1 có 3 đơn vị là huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi.
Theo nhận định của ngành Y tế, trong vài tuần tới, số ca mắc trên địa bàn tỉnh vẫn có khả năng tăng. Vì thế, công tác phòng, chống dịch bệnh phải được ưu tiên hàng đầu. Tất cả người dân phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là dù đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 diễn tiến nặng tại Bệnh viện Thanh Vũ Medic. Ảnh: T.L
SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI DÂN LÀ TRÊN HẾT
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng chỉ đạo: Các địa phương phải rà soát kỹ số người dân đang có mặt trên địa bàn, không để người dân nào không được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Đề nghị ngành Y tế phải đảm bảo an toàn cho công tác tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi khi triển khai.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương phải chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phải chú ý các cơ sở thu mua tôm, hải sản... Các cơ sở này khi hoạt động phải có cam kết phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc thực hiện “5K”, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức đơn vị mình trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đề nghị ngành Y tế phải khẩn trương mua sắm các trang thiết bị y tế cần thiết, đặc biệt là các trang thiết bị cho công tác điều trị F0. Phải đảm bảo đủ thuốc, thiết bị điều trị, giảm số trường hợp tử vong do COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiên quyết hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phải quản lý thật chặt địa bàn. Cả hệ thống chính trị phải tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới. Phải lo sức khỏe cho người dân trước hết, trên hết. Người dân phải chung tay với chính quyền trong công tác phòng, chống thì tình hình dịch bệnh mới được kiểm soát tốt”.
CHÂU KHÁNH
* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam: Cán bộ, công chức phải gương mẫu chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh
Theo đánh giá, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân, phải tuyên truyền đến tận cơ sở. Người dân phải tự điều chỉnh hành vi của mình, hạn chế tập trung đông người, nhất là khi tổ chức các đám tiệc.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Bản thân cán bộ, đảng viên cũng phải tuyên truyền người thân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Tăng cường làm việc trực tuyến, hạn chế tiếp xúc...
Đề nghị ngành Y tế rà soát lại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn. Nếu có quá tải thì phải bố trí ngay khu thu dung, điều trị mới. Sở Y tế phải có kiến nghị với Bộ Y tế bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
* Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Người dân cần thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh
Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhưng thực tế cho thấy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng thời gian qua vẫn còn cao. Điều này cho thấy, ý thức một bộ phận người dân vẫn chưa cao, còn rất chủ quan, lơ là với dịch bệnh.
Vì thế, đề nghị các địa phương tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của người dân. Phải tuyên truyền làm sao cho mỗi người dân hiểu được trách nhiệm của mình đối với công tác phòng, chống dịch bệnh của bản thân, của gia đình, của cả cộng đồng xã hội.
* Đại tá Lê Việt Thắng - Giám đốc Công an tỉnh: Nên rút các chốt kiểm soát COVID-19 liên tỉnh
Đại tá Lê Việt Thắng - Giám đốc Công an tỉnh đề xuất BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh xem xét, rút các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn giáp ranh với các tỉnh. Nguyên nhân là hiện nay do thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nên việc đi lại của người dân không còn bị hạn chế, hiệu quả của các chốt không còn cao.
Thực tế cho thấy, trong tuần qua tại chốt kiểm dịch trên địa bàn huyện Hồng Dân (trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp) và huyện Vĩnh Lợi (tuyến Quốc lộ 1A) có trên 3.000 lượt người dân về địa phương. Trong đó chỉ có 39 trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến y tế, lực lượng chức năng đưa đi cách ly tập trung 6 trường hợp.
* Giám đốc Sở GD-KH&CN - Lâm Thị Sang: Ngành Y tế nên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho học sinh lớp 6
Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD-KH&CN kiến nghị ngành Y tế nghiên cứu tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong đợt này cho cả học sinh lớp 6, vì theo Kế hoạch số 68 của Sở Y tế (Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 16 - 17 tuổi năm 2021 và trẻ em từ 12 - 15 tuổi tỉnh Bạc Liêu) thì chỉ tiêm cho học sinh có năm sinh từ năm 2009 (tương đương học sinh đang học lớp 7, năm học 2021 - 2022) đến 2004 (tương đương học sinh đang học lớp 12).
Đối với học sinh có năm sinh 2010 (tương đương đang học lớp 6, năm học 2021 - 2022) trong đợt này sẽ chưa được tiêm. Nếu như vậy, khi học sinh cấp THCS trên địa bàn tỉnh đi học lại bình thường thì học sinh khối lớp 6 có khả năng sẽ không được đến trường vì chưa được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Theo thống kê, toàn ngành hiện có 57.866 học sinh. Trong đó, cấp THPT có 22.816 học sinh, cấp THCS có 35.050 học sinh. So với số liệu từ đầu năm học 2021 - 2022, hiện còn khoảng 4% học sinh trong độ tuổi không đăng ký đi học.
Đối với việc triển khai tiêm cho trẻ 16 - 17 tuổi trước, do hiện nay có rất nhiều trường THPT đang được trưng dụng làm khu cách ly, khu điều trị COVID-19... nên đề nghị ngành Y tế bố trí khu vực, địa điểm tiêm hợp lý. Không nên tập trung quá đông, phải thông báo học sinh đi tiêm theo giờ, theo từng khối lớp.
Theo dự tính, khi kết thúc học kỳ 1 vào khoảng cuối tháng 12 năm 2021, học sinh cấp THPT có thể trở lại trường vì khi đó các em đã được tiêm đủ 2 mũi.
* Bác sĩ Phạm Chí Thành (Bệnh viện Chợ Rẫy): Giảm tỷ lệ bệnh nhân diễn tiến nặng và giảm tử vong
Hiện tại, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) đang hỗ trợ tích cực công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 2 và tầng 3 cho Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Thực tế điều trị F0 trong 1 tuần qua cho thấy, trong 10 ca diễn tiến nặng đơn vị đã nhận, chỉ có 1 bệnh nhân được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Vì thế, tỉnh phải tích cực tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 cho người dân toàn tỉnh. Đối với người dân, nếu chưa được tiêm ngừa thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phải giãn cách nghiêm ngặt hơn.
Đa số bệnh nhân nặng là người lớn tuổi, có bệnh nền. Cần cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng vi-rút sớm để ngăn diễn tiến nặng.
Tại cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh, muốn ngăn chặn bệnh nhân diễn tiến nặng thì phải theo dõi chặt, không để xảy ra tình trạng bệnh nhân bị tuột ôxy quá lâu, chuyển bệnh phải an toàn, vì thực tế có bệnh chuyển lên nhưng trong xe chuyển bệnh lại không có ôxy. Đồng thời phải bổ sung thêm nhân lực cho các cơ sở này.
* Trung tá - bác sĩ Dương Minh Tú (Quân khu 9): Cần quản lý bệnh nhân COVID-19 theo từng nhóm
Trung tá - bác sĩ Dương Minh Tú - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền - Cục Hậu cần (Quân khu 9), cho biết: Qua thực tế điều trị bệnh nhân COVID-19 trước đây, chúng tôi đã xây dựng chương trình quản lý bệnh nhân theo từng nhóm. Theo đó, bệnh nhân khi vào cơ sở điều trị sẽ được chia theo nhóm đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 1 mũi, 2 mũi, bệnh nhân chưa được tiêm vắc-xin... để tiện theo dõi, điều trị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phân công từng cá nhân phụ trách theo từng nhóm bệnh nhân.
Hiện tại trong cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 của Khu nhà ở sinh viên có 242 bệnh nhân đang được điều trị. Đề nghị ngành Y tế tỉnh cung cấp đầy đủ dụng cụ chống nhiễm khuẩn để hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm chéo trong nhân viên y tế và các lực lượng làm nhiệm vụ.
C.K (thực hiện)
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão số 10
- Tỉnh ủy Bạc Liêu: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách
- Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ năm 2025