Y tế - Sức khỏe
Bộ Y tế: Chủ động ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam
Bộ Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2.
Chiều 28/11, Bộ Y tế thông tin, ngày 25/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam châu Phi như Nam Phi, Botswana...
Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Tại Việt Nam đến nay, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19;
Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi;
Đồng thời Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Ở thời điểm hiện tại, WHO đang phối hợp với đông đảo các nhà khoa học trên thế giới để hiểu rõ hơn về Omicron. Các nghiên cứu hiện đang được tiến hành hoặc trong thời gian ngắn bao gồm đánh giá khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng (bao gồm các triệu chứng), hiệu quả của vắc-xin và xét nghiệm chẩn đoán, hiệu quả của các phương pháp điều trị.
WHO khuyến khích các quốc gia đóng góp việc thu thập và chia sẻ dữ liệu bệnh nhân nhập viện thông qua nền tảng dữ liệu lâm sàng COVID-19 của WHO, để mô tả nhanh các đặc điểm lâm sàng và kết quả của bệnh nhân.
Điều tối quan trọng là sự bất bình đẳng trong tiếp cận với vaccine COVID-19 cần được giải quyết khẩn cấp để đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, nhận được liều đầu tiên và liều thứ hai, cùng với việc tiếp cận điều trị và chẩn đoán một cách công bằng.
WHO cũng khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế công cộng hiệu quả để giảm lưu hành của COVID-19 nói chung, sử dụng phương pháp phân tích rủi ro và phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học; tăng cường một số năng lực y tế và y tế công cộng để quản lý sự gia tăng các ca bệnh.
Các bước hiệu quả nhất mà các cá nhân có thể thực hiện để giảm sự lây lan của COVID-19 là giữ khoảng cách vật lý ít nhất 1m với những người khác; đeo khẩu trang vừa vặn; mở cửa sổ để cải thiện thông gió; tránh không gian kém thông hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy; và tiêm phòng khi đến lượt...
T.K (tổng hợp)
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão số 10
- Tỉnh ủy Bạc Liêu: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của BCH Trung ương Đảng khóa XII
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách
- Bộ Y tế triển khai nhiệm vụ năm 2025