Y tế - Sức khỏe

Cách phòng bệnh cho trẻ trong mùa lạnh

Thứ Tư, 30/11/2022 | 16:52

Trong mùa lạnh, có rất nhiều trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp phải nhập viện điều trị. Chính vì thế, trẻ cần được bảo vệ, chăm sóc để phòng tránh bệnh.

Tiêm ngừa cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Phước Long. Ảnh minh họa: C.K

Đầu tiên, trẻ cần được giữ ấm cơ thể, nhất là hai bàn chân, ngực, cổ, đầu, tránh ra gió và ra ngoài vào ban đêm. Tuy nhiên, không nên ủ trẻ quá kỹ, bởi nếu mồ hôi ra nhiều thì sẽ thấm ngược trở lại cơ thể khiến bé bị lạnh, dẫn đến viêm phổi. Thường xuyên kiểm tra xem trẻ có bị ra mồ hôi hay không để kịp thời lau khô hoặc thay áo trong cho trẻ. Với trẻ nhỏ, cần kiểm tra và thay tã thường xuyên để tránh cho cơ thể trẻ nhiễm lạnh vì tã ướt quá lâu.

Duy trì nhiệt độ phòng khoảng 25 - 28oC, thoáng nhưng tránh có gió lùa. Có thể sử dụng máy điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, nhưng tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO2 có thể gây độc, ngạt cho trẻ và những người xung quanh.

Trẻ cần được vệ sinh, tắm đúng cách. Đối với trẻ mới sinh đến một tuần tuổi thì việc tắm hằng ngày rất cần thiết do cơ thể trẻ vẫn còn nhiều chất gây bám. Nếu không được tắm sạch, trẻ dễ bị bít lỗ chân lông, gây viêm nhiễm. Khi tắm cho trẻ, cần chú ý đóng kín cửa phòng, tránh đặt chậu tắm ở nơi có gió lùa. Nếu dùng máy điều hòa hoặc quạt sưởi thì nên bật trước đó khoảng 15 phút cho nhiệt độ trong phòng ấm lên. Nhiệt độ nước để tắm cho trẻ bằng với nhiệt độ cơ thể từ 36 - 37oC.

Đối với trẻ trên 10 ngày tuổi trở đi thì không nhất thiết phải tắm hằng ngày, có thể để 2 - 3 ngày tắm một lần. Thời gian tắm cho trẻ không quá 10 phút. Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho trẻ lúc trời trở lạnh là tắm từ dưới lên trên. Gội đầu thật nhanh sau khi tắm để tránh trẻ bị lạnh khi đang ướt.

Cha mẹ có thể tắm trước rồi mới đến trẻ để không khí phòng tắm ấm lên. Bạn cũng có thể cho một ít dầu tràm vào nước để trẻ tắm ấm hơn.

Không nên giữ trẻ ở lâu trong phòng kín, dễ mắc bệnh hơn. Trẻ cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm.

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hằng ngày vào buổi sáng để hấp thụ vitamin D, phòng ngừa bệnh còi xương. Hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm như: khói bụi, khói thuốc lá…

Bác sĩ lưu ý, trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung mền, hở chân, hở bụng…, khiến trẻ bị lạnh bụng dẫn đến ho, viêm phổi, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa… Do đó, trước khi trẻ đi ngủ nên cho mặc loại áo liền quần hoặc đắp chăn túi và mang vớ để đề phòng nhiễm lạnh.

Đối với trẻ sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, đồng thời giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, đội nón và dùng băng quấn thóp là cần thiết với trẻ mới sinh, đặc biệt là các trẻ sinh non. Riêng trẻ khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, đội nón khi ngủ là không cần thiết mà sẽ khiến nhiệt độ vùng đầu của trẻ tăng cao, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của não bộ.

Xây dựng thực đơn với những nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua; tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen để nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất. Với trẻ sơ sinh, nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Giữ môi trường trong lành, tạo thói quen vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng xà phòng và đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để hạn chế các bệnh theo mùa.

T.L (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.