Y tế - Sức khỏe

Cách xử lý khi ngộ độc thực phẩm

Thứ Hai, 11/02/2019 | 16:58

Việc ăn nhiều món trong dịp tết có thể khiến bạn ngộ độc thực phẩm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm như vi khuẩn, vi-rút hoặc do ký sinh trùng gây ra. Đây cũng là lý do chính gây bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể liên quan đến các độc tố tự nhiên hoặc độc tố hóa học như nấm mốc, chất độc và chất ô nhiễm. Bên cạnh đó, dị ứng cũng là một trong những yếu tố gây bệnh. Một số thực phẩm như các loại hạt, sữa, trứng hoặc hải sản có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người bị dị ứng thực phẩm.

Ảnh minh họa: T.L

Các triệu chứng khi ngộ độc thực phẩm
Trong một số trường hợp, ngộ độc có thể bị nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nên rất khó để phát hiện. Các triệu chứng và khoảng thời gian để các triệu chứng xuất hiện phụ thuộc phần lớn vào nguồn lây nhiễm, có thể dao động ít nhất từ 1 giờ đến 28 ngày.
Các trường hợp ngộ độc thực phẩm thông thường sẽ xuất hiện các triệu chứng sau: Đau bụng; tiêu chảy; buồn nôn, nôn; ăn không ngon miệng; sốt nhẹ; mệt mỏi; đau đầu. Trong đó, các triệu chứng có khả năng đe dọa tính mạng bao gồm: Tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày; sốt cao trên 38,50C; khó nhìn hoặc khó nói chuyện. Ngoài ra còn có các triệu chứng mất nước nghiêm trọng như khô miệng, bí tiểu, đi tiểu ra máu. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào như trên, bạn cần đến bác sĩ để thăm khám ngay lập tức.
Nên làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
Khi ngộ độc thực phẩm, bạn nên hạn chế những thực phẩm làm từ sữa, đặc biệt là sữa và phô mai, hoặc những món ăn giàu chất béo, có nhiều gia vị hoặc lượng đường cao. Thức ăn cay, đồ chiên rán, đồ uống có chứa cafein, rượu hay thuốc lá chứa nicotin cũng là những thứ bạn cần tránh.
Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những thực phẩm đơn giản, dễ tiêu hóa cho đến khi tình trạng nôn ói và tiêu chảy giảm bớt như: Bánh quy mặn, các món ăn có chứa gelatin, chuối, cơm, bột yến mạch, canh gà, khoai tây, rau luộc, bánh mì nướng, soda không chứa cafein, nước ép trái cây pha loãng, nước uống thể thao…
Làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm?
Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bạn cần chế biến thực phẩm an toàn và tránh ăn những món có khả năng gây ngộ độc, thường xảy ra trong quá trình sản xuất và bảo quản.
Thịt, gia cầm, trứng và động vật có vỏ có thể chứa các yếu tố gây bệnh. Nếu ăn sống những thực phẩm này hoặc không được chế biến đúng cách, hoặc tay và các dụng cụ nhà bếp không được làm sạch sau khi tiếp xúc, ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra.
Một số thực phẩm có khả năng gây ngộ độc thực phẩm bao gồm:
- Sushi và các món ăn làm từ cá không được nấu chín hoặc ăn sống như gỏi cá…;
- Thịt nguội và xúc xích không được hâm nóng hoặc nấu chín trước khi ăn;
- Thịt bò xay;
- Sữa chưa tiệt trùng, phô mai và nước trái cây;
- Trái cây, rau quả chưa rửa.
Luôn đảm bảo thực phẩm được bảo quản đúng cách. Chú ý nấu kỹ các món có sử dụng thịt và trứng. Những vật dụng tiếp xúc với đồ ăn sống cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi dùng cho đồ chín. Đừng quên rửa kỹ trái cây và rau quả trước khi ăn để tránh ngộ độc thực phẩm.
Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì không gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các trường hợp này cũng như các trường hợp phát hiện các triệu chứng khác lạ hay nặng cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Không cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào theo lời mách bảo. Các chất độc có tự nhiên trong thực phẩm có khá nhiều loại mà đôi khi chúng ta vô tình gặp phải như các loại cá độc, nấm độc, thức ăn bị ôi thiu… Vì vậy, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất với các dịch nôn hoặc thức ăn đang dùng để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc.
Trúc Ly (theo Vietnammoi.vn)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.