Y tế - Sức khỏe

Cần cho trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B

Thứ Sáu, 02/08/2013 | 18:30

Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ người nhiễm vi-rút viêm gan B cao, cứ 8 người thì có 1 người bị nhiễm. Những bệnh nhân này có khả năng chuyển sang viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan, dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, sau sự cố 3 đứa trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin tại tỉnh Quảng Trị mới đây thì vấn đề tiêm ngừa được nhiều phụ huynh quan tâm. Và câu hỏi đặt ra là, có nên tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B cho trẻ?

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Ảnh: P.B.T

Câu trả lời là nên, vì tiêm chủng phòng viêm gan B có thể đạt hiệu quả trên 95% ở trẻ em. Nên cho trẻ tiêm càng sớm càng tốt và tiêm đủ 3 mũi. Đối với người lớn, cần làm xét nghiệm trước khi chủng ngừa. Nếu chưa mắc bệnh cũng chỉ tiêm 3 mũi. Còn khi phát hiện đã mắc bệnh viêm gan thì nên theo dõi và điều trị, không cần tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tiêm vắc-xin viêm gan B ngay trong 24 giờ sau sinh là rất cần thiết, bởi nếu tiêm sớm thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Việc tiêm sớm càng có ý nghĩa hơn khi tỷ lệ lưu hành vi-rút viêm gan B tại Việt Nam khá cao, 10 - 20% dân số. Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thì: “Tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh, thậm chí cả khi người mẹ nhiễm vi-rút cũng sẽ phòng được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh. Trong khi nếu mẹ có vi-rút viêm gan B thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nhiễm vi-rút viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan, khi đó việc điều trị không chỉ tốn kém, lâu dài mà cũng rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ”.

Vắc-xin viêm gan B có thể ngăn ngừa lây nhiễm thậm chí sau khi phơi nhiễm với vi-rút. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, giữa các thành viên trong gia đình (qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể nhiễm bệnh) và qua quan hệ tình dục.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, vắc-xin viêm gan B là một trong những vắc-xin an toàn, trẻ sinh non, sinh thiếu cân... cũng có thể tiêm được. Theo ước tính của WHO, tỷ lệ tai biến sau tiêm là 1 - 2 trường hợp trong 1 triệu liều, rất thấp trong khi các loại vắc-xin khác có thể lên tới 2 - 5 trường hợp trong 1 triệu liều. Tiêm vắc-xin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (3 - 9%), sốt trên 37,7oC và sốc phản vệ nhưng chỉ khoảng 1/600.000 liều.

Vấn đề tử vong của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan B theo kết luận của Bộ Y tế là sốc phản vệ, tức là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước vật lạ, mà ở đây là protein. Đó là kết luận chung, còn nguyên nhân thì vẫn đang điều tra. Tiêm chủng mở rộng là bắt buộc, theo Điều 25, Luật Truyền nhiễm, được Nhà nước bảo trợ để bảo vệ cho trẻ và cộng đồng. Ngành Y tế có nhiệm vụ tổ chức các cuộc tiêm chủng cho tốt, thuận lợi cho người dân.

Bác sĩ Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, cho biết: “Sau sự cố 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm phòng viêm gan B xảy ra tại tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã tăng cường các biện pháp kiểm soát quá trình tiêm, bảo quản vắc-xin nhằm hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra”. Hiện tại, bệnh viện vẫn tiến hành tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh bình thường, thông tin một số bệnh viện cho ngừng tiêm là sai với quy định của Bộ Y tế. Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, mỗi tháng có khoảng 400 trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin viêm gan B.

Ngành Y tế vẫn giữ quan điểm nên cho trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B. Theo đó, mọi hoạt động tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau sinh tại các bệnh viện trong tỉnh vẫn diễn ra bình thường. Theo ghi nhận thì đến thời điểm hiện tại, ở Bạc Liêu chưa có trường hợp sai sót, phản ứng nguy hiểm sau khi tiêm vắc-xin.

Châu Khánh

(tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.