Y tế - Sức khỏe
Cảnh giác cao độ với bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện đang tăng không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Một số quốc gia trên thế giới cũng đang cảnh báo về bệnh này. Các chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Điều trị trẻ em mắc SXH tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu.
TS. Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, khu vực phía Nam đã có 42 ca tử vong trong số hơn 56.000 ca mắc SXH. Kết quả phân lập virus cho thấy type Den1 chiếm 57%, Den2 chiếm 41%. Chìa khóa của phòng chống dịch SXH vẫn là diệt lăng quăng, không cho muỗi sinh sôi sẽ không còn xuất huyết. Ông lưu ý, khu vực công trường hay các bệnh viện đang xây dựng… là môi trường lý tưởng cho lăng quăng sinh sôi. Do đó, cần phải diệt trừ lăng quang, cắt đứt vector truyền bệnh mới có thể kiểm soát dịch. Việc phòng ngừa này cần bắt buộc phải có sự hợp tác quyết liệt từ phía người dân.
Bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, cho biết những năm gần đây, kể cả đầu năm 2022, chủng D1 chiếm ưu thế ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi lấy mẫu giám sát ở một số địa phương có số ca mắc tăng, các chuyên gia phát hiện các ca bệnh chủ yếu mắc chủng D2.
Mỗi năm, mỗi mùa thường có một chủng SXH nổi trội lấn át các chủng còn lại. Hiện tại đang vào giữa mùa SXH 2022 thì chủng D2 đang tăng. Trong 4 chủng thì chủng D2 thường gây bệnh nặng hơn.
"Người nhiễm chủng D2 vẫn có các triệu chứng giống các chủng còn lại nhưng nguy cơ gây biến chứng, sốc SXH cao hơn, bệnh nặng hơn", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP. Hồ Chí Minh, cho biết qua kinh nghiệm thực tế điều trị cho thấy, trong 4 chủng thì D2 có độc lực mạnh nhất.
"Nếu năm nào chủng SXH D1 chiếm ưu thế thì bệnh thường nhẹ, chủ yếu sốt, theo dõi điều trị khoảng 7 ngày khỏi, trong khi đó chủng D2 thường khiến bệnh nặng, gây sốc xuất huyết, tổn thương đa cơ quan", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Theo bác sĩ Tiến, năm nay kết quả khảo sát của các chuyên gia Viện Pasteur tại các tỉnh phía Nam như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ cho thấy nhiều ca bệnh nhiễm chủng D1. Tuy nhiên, ở những người tử vong, kết quả phân lập virus ghi nhận chủng D2 và số ca nhiễm chủng D2 cũng đang có xu hướng gia tăng.
Phun hóa chất trừ muỗi, phòng chống bệnh SXH. Ảnh: C.K
"Thông thường người mắc SXH sẽ trải qua 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục, thường trong khoảng 7 ngày. Tuy nhiên với người mắc chủng D2 thì sau 3 - 4 ngày đầu sốt, giai đoạn nguy hiểm sẽ có nhiều biến chứng, chuyển biến nặng hơn, các phản ứng viêm mạnh, suy đa tạng, sốc xuất huyết... kéo dài thời gian điều trị", bác sĩ Tiến phân tích.
Ngoài ra theo chuyên gia, giả thuyết khiến số trẻ mắc SXH tăng nặng, có thể rối loạn miễn dịch do từng nhiễm COVID-19. Khai thác bệnh sử, các ca sốc xuất huyết có tiền sử nhiễm COVID-19, các phản ứng viêm diễn ra mạnh hơn, tổn thương thành mạch, suy đa tạng...
Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết tại bệnh viện số ca nhập viện do SXH tăng, trong đó tỷ lệ người lớn cao hơn trẻ em. Số ca bệnh người lớn chiếm khoảng 60%, trong 25 ca thì có 3 - 4 ca chuyển nặng.
"Ghi nhận ban đầu cho thấy, so với các đợt trước, đợt SXH lần này do chủng D2 gây bệnh nặng hơn, số ca chuyển nặng nhiều, đặc biệt ở người lớn".
KHÁNH CHÂU (TH)
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận