Y tế - Sức khỏe
Chủ động phòng chống bệnh bạch hầu
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu. Dù dịch bệnh không xuất hiện, nhưng trước tình hình diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong cả nước, ngành Y tế Bạc Liêu vẫn triển khai nhiều biện pháp để phòng bệnh hiệu quả.
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh bạch hầu nói riêng. Ảnh minh họa: C.K
Bác sĩ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Hàng năm, ngành Y tế đều triển khai quyết liệt công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu. Với sự chuẩn bị chu đáo, triển khai đồng bộ công tác giám sát dịch tễ, dự phòng…, nên thời gian qua trên địa bàn tỉnh không xuất hiện bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm khác như rubella, sốt xuất huyết… được ghi nhận số ca mắc giảm nhiều hơn so với những năm trước đây. Dù hiện tại dịch bệnh, đặc biệt là bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong cả nước nhưng với quyết tâm cao, ngành Y tế tỉnh không để dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh bạch hầu nói riêng xảy ra trên địa bàn Bạc Liêu”.
Theo ngành Y tế, bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu - tên khoa học là Corynebacterium diphtheria - gây ra. Bệnh khởi phát cấp tính và các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi và tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.
Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 - 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn.
Để phòng bệnh bạch hầu, mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Phải đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng bệnh dễ dàng bằng cách tiêm chủng. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, chủ động tạo miễn dịch với vaccine là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.
Trúc Ly
- Tặng 200 suất quà cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới 2025
- TP. Bạc Liêu: Tuyên truyền cá biệt thanh niên vi phạm luật giao thông
- Thăm và hỗ trợ tiền đợt 2/2024 cho thương binh Huỳnh Tấn Sĩ
- Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu tổ chức chương trình rút thăm may mắn
- Bộ KH-ĐT: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8 - 7%