Y tế - Sức khỏe
Chữ “tâm” của người thầy thuốc
Người thầy thuốc thường được nhớ đến như một “từ mẫu” trong mắt bệnh nhân. Với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, họ đã và đang ngày đêm âm thầm cống hiến hết sức mình, hy sinh hạnh phúc riêng tư để mang đến niềm vui, sự sống cho bệnh nhân trong cuộc chiến với tử thần.
Sự nỗ lực giành giật sự sống giữa lằn ranh mong manh trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 đã nói lên tất cả trách nhiệm của những người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Đó cũng chính là cái tâm trong sáng của những người làm nghề Y.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các đơn vị tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: C.K
“CHIẾN ĐẤU” BẤT KỂ NGÀY ĐÊM
Với thiên chức của mình, những người hành nghề y luôn xem bệnh nhân như người thân, họ luôn hết mình chăm lo sức khỏe bệnh nhân dù người bệnh là ai. Thiên chức đó đã và đang được phát huy trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19. Thời điểm những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh cũng là lúc những người thầy thuốc phải đương đầu với cuộc chiến vô cùng cam go, khốc liệt.
Bác sĩ Tô Phú Khánh - Trưởng Khoa Điều trị COVID-19 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu), nhớ lại: “Thời điểm đó bệnh nhân COVID-19 rất đông, khoa bị quá tải. Khó khăn lớn nhất là số bệnh nhân chuyển nặng cũng cao, không đủ máy thở, trang thiết bị y tế chuyên dụng cũng thiếu… nên chúng tôi phải tận dụng tất cả những gì có thể để điều trị cho bệnh nhân. Tất cả y, bác sĩ đều đã nỗ lực hết mình điều trị và chăm sóc bệnh nhân, có nhiều y, bác sĩ nữ có con nhỏ nhưng vẫn xung phong lên tuyến đầu, hàng tháng vẫn chưa về nhà. Không khí trong khoa lúc đó luôn “nóng” hầm hập, những gương mặt căng thẳng, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ”.
Theo hồi tưởng của bác sĩ Phú Khánh, lúc đó khoa được thành lập có đến 200 giường bệnh, phụ trách điều trị bệnh nhân tầng 2 (trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao) và tầng 3 (trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao), nên áp lực rất lớn. Trong đó, tầng trệt được bố trí 50 giường điều trị tầng 3; tầng 1 và tầng 2 được bố trí 150 giường điều trị tầng 2. Với sự hỗ trợ hết mình của các y, bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), tập thể y, bác sĩ của bệnh viện đã “chiến đấu” bất kể ngày đêm để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Dù chỉ là khoa điều trị COVID-19 nhưng khi đó, với 200 giường bệnh, nhân lực được huy động cho khoa lên đến hàng trăm người. Gần như tất cả các khoa, phòng khác đều chi viện lực lượng tốt nhất của mình. Họ luân phiên nhau theo “3 ca, 4 kíp” 24/24 để vào chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Trong bộ đồ bảo hộ y tế kín như bưng, họ làm tất cả những công việc không tên trong suốt 8 giờ liên tục. Khi được thay ca, nhiều người đã gần như kiệt sức vì mất nước, vì thức đêm… Nhưng ngay hôm sau, họ lại xung phong lên tuyến đầu. Vì họ biết rằng, nơi đó còn rất nhiều bệnh nhân đang cần mình.
Theo số liệu của ngành Y tế, từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay đã có hơn 36.660 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận trên địa bàn tỉnh. Tính đến sáng 25/2 đã có hơn 35.670 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh. Nhưng cũng đã có trên 360 bệnh nhân tử vong. Đây là một mất mát rất lớn về con người trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã tiếp nhận, điều trị khỏi bệnh cho 1.693 bệnh nhân. Tính đến chiều 24/2, tại Khoa Điều trị COVID-19 của bệnh viện còn 33 bệnh nhân đang được điều trị. Trong đó có 7 bệnh nhân nguy kịch, tiên lượng xấu.
Các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Khoa điều trị COVID-19 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu).
Luôn hết lòng vì bệnh nhân
Trong những ngày dài chiến đấu với COVID-19 ấy, mỗi bệnh nhân xuất viện là một thành công, là một hạnh phúc đối với những người thầy thuốc. Dù đã điều trị hàng ngàn bệnh nhân, nhưng bác sĩ Phú Khánh vẫn nhớ như in trường hợp một bệnh nhân “đặc biệt”. Đó là bệnh nhân béo phì, nặng trên 100kg. Khi vào khoa đã có dấu hiệu chuyển nặng. Thân hình “quá khổ”, nhất là khi bệnh nhân phải thở máy cũng gây rất nhiều khó khăn cho các y, bác sĩ.
Với tiên lượng xấu, tưởng rằng bệnh nhân này sẽ không qua khỏi nhưng sau nhiều ngày kiên trì cứu chữa hết mình của các y, bác sĩ, bệnh nhân đã dần hồi phục, xuất viện trong niềm vui vỡ òa của tất cả mọi người. Bác sĩ Phú Khánh thốt lên: “Đó như một kỳ tích! Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình. Có những lúc tưởng rằng không cứu được nữa, nhưng sự hồi phục dần dần của bệnh nhân như một mầm xanh hy vọng từng ngày cho tất cả chúng tôi trong những ngày căng thẳng đó. Từ ca bệnh này, chúng tôi đã tự tin hơn về khả năng, tay nghề của mình để giúp những bệnh nhân khác trở về với gia đình của mình sau khi vượt qua lằn ranh sinh - tử”.
Bác sĩ Trạm Y tế Phường 5 (TP. Bạc Liêu) thăm khám bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Ảnh: H.T
Bác sĩ Bùi Quốc Nam - Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Tất cả nhân viên y tế của ngành đều hăng hái xung phong tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19. Họ có thể là tài xế, nhân viên lấy mẫu hay hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ điều trị… nhưng cùng có chung quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, mang lại sức khỏe cho người dân”.
Hiện tại, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, người dân đã trở về với cuộc sống bình thường, nhưng ở những cơ sở y tế, đội ngũ y, bác sĩ vẫn ngày đêm âm thầm điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Vì sức khỏe bệnh nhân, nhiều người trong số họ vẫn chưa được hưởng trọn niềm vui của cuộc sống bình thường mới với những điều giản dị như đưa rước con đi học hay có mặt thường xuyên trong những bữa cơm của gia đình…
Châu Khánh
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận