Y tế - Sức khỏe
Dấu hiệu nhiễm khuẩn và cách phòng tránh vi khuẩn Whitmore
Nhiễm vi khuẩn Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) không phải là bệnh mới hay hiếm gặp mà nó đã bị “lãng quên” trong cộng đồng. Bệnh được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1936. Và thời gian gần đây ở nước ta lại “rộ” lên căn bệnh này.
Hình ảnh minh họa vi khuẩn Whitmore. Ảnh: Internet
Whitmore là vi khuẩn gì?
TS. Trịnh Thành Trung, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhà khoa học có hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về vi khuẩn Whitmore cho biết: Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên.
B. pseudomallei là loại vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.
Theo PGS-TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thông thường, 40 - 60% bệnh nhân mắc Whitmore sẽ tử vong. Tỷ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn.
Những biểu hiện của nhiễm vi khuẩn Whitmore
- Sốt cao;
- Mắc bệnh viêm phổi;
- Xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí;
- Mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
Vi khuẩn Whitmore thâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với nước hay đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải bụi đất, bùn, nước có chứa loại vi khuẩn này gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân. Thể cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài ngày.
Khi vi khuẩn B.pseudomallei thâm nhập cơ thể người, chúng có thể gây bệnh ngay hoặc “nằm yên” đến vài chục năm, chờ khi thuận lợi vi khuẩn phát triển và gây bệnh, do đó bệnh thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đái tháo đường, suy thận…
Ngay khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần nhanh chóng tới khám ở những bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải sau đó. Đặc biệt, những bệnh nhân đã từng nhiễm vi khuẩn Whitmore nên thường xuyên đi tái khám vì bệnh có khả năng tái phát cao, cần có sự kiên trì trong quá trình điều trị.
Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Whitmore
PGS-TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo rằng, những năm gần đây, số ca mắc bệnh Whitmore được báo cáo không ngừng tăng, cao điểm thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7 - 11. Vì vậy, những người làm việc tiếp xúc với môi trường đất, nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.
Việc tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm có thể khiến nguy cơ mắc vi khuẩn Whitmore tăng cao. Do đó, những nhóm người nhất định sau cần lưu ý để giúp giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm:
- Những người có vết thương ngoài da và những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi hoặc bệnh thận mãn tính có nguy cơ mắc bệnh melioidosis nên tránh tiếp xúc với đất và nước bẩn.
- Những người bắt buộc làm các việc tiếp xúc với đất nên mang ủng và găng tay bảo hộ để ngăn ngừa nhiễm trùng qua bàn chân và gót chân…
- Nhân viên y tế có thể sử dụng các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc tiêu chuẩn (mặt nạ, găng tay và áo choàng) để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
T.L (Theo infonet.vn)
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh