Y tế - Sức khỏe
F0 né tránh khai báo y tế: Nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Hiện nay, với việc phần lớn người dân đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19, cộng với những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, được điều trị tại nhà… nên người dân đã bắt đầu có tâm lý chủ quan, không sợ dịch bệnh. Dù ngành chức năng đã có những quy định cụ thể trong việc quản lý các F0 điều trị tại nhà, nhưng có nhiều trường hợp không tuân thủ đúng khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng cao.
Một trường hợp F0 được điều trị tại nhà.
Ngày 14/3/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định 604 “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19”. Trong đó quy định “Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.
Với quy định này, vấn đề đặt ra là ai có trách nhiệm giám sát đối với các F0 đang điều trị tại nhà khi họ đi ra khỏi phòng cách ly? Trên lý thuyết, quy định này xem ra rất chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ truyền bệnh của F0 cho những người cùng sống chung trong nhà (nơi cách ly, điều trị), nhưng trong thực tế thì rất khó hoặc không khả thi để thực hiện. Nhiều người cho rằng, quy định này “không có tác dụng” đối với những người thiếu ý thức. Thực tế cho thấy, có nhiều F0 điều trị tại nhà nhưng do không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, họ vẫn đi lại, giao lưu, sinh hoạt như người bình thường. Thậm chí có người còn ra khỏi nhà để đi “công chuyện”… Đây thật sự là nguy cơ rất cao đối với cộng đồng.
Theo thông cáo báo chí của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh, tính đến sáng 16/3/2022, toàn tỉnh có 2.538 bệnh nhân đang được điều trị. Trong đó có 1.615 bệnh nhân được điều trị tại nhà. Trong ngày 15/3/2022 đã có thêm 273 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh đến nay lên 38.735 người.
Điều nguy hiểm hơn là do hiện nay hầu như tất cả hoạt động đều trở lại bình thường khi tỉnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp - “vùng xanh”) cho nên có nhiều người tự test nhanh có kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 nhưng không khai báo vì sợ ảnh hưởng đến công việc sản xuất - kinh doanh hoặc học tập của bản thân, gia đình. Vì thế, các F0 này “vô tư” đi lại, sinh hoạt, học tập… mà không ai biết họ đang mang mầm bệnh nguy hiểm.
Lấy mẫu bệnh phẩm test nhanh COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu. Ảnh: C.K
Đơn cử như trong việc học tập, một số trường quy định các F0 phải nghỉ học ở nhà, nhưng vì sợ “nợ” môn học nên đã có trường hợp F0 vẫn vào lớp học, trong khi những bạn học xung quanh không hề hay biết. Trong môi trường kín như phòng học, lại có rất nhiều người thì việc làm lây lan dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Từ những trường hợp “vô tình” như thế sẽ khiến dịch bệnh lây lan diện rộng trong cộng đồng rất nhanh, tạo nên nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mang lại hiệu quả, cần lắm ý thức tự giác của mỗi người dân. Không chỉ tự giác trong việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mà còn cần phải nêu cao tính tự giác khi chẳng may bị nhiễm bệnh nhằm bảo vệ cho chính những người thân của mình.
Khánh Châu
----------------------------------------------
Bệnh nhân COVID-19 cần khai báo y tế
Bệnh nhân COVID-19 cần khai báo với y tế địa phương và khai báo y tế điện tử hàng ngày về tình trạng bản thân và vấn đề liên quan như:
- Tình trạng nghi nhiễm (test nhanh dương tính) hoặc đã nhiễm (test PCR dương tính) để địa phương có phương án hỗ trợ cấp thuốc, lương thực và phản ứng kịp thời nếu tình trạng F0 trở nặng hoặc có thêm F0 mới trong gia đình.
- Thông tin sức khỏe của các F0 trong gia đình: có bệnh nền, ngoài 65 tuổi hoặc đang mang thai…
Điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh minh họa: C.K
- Trường hợp nhóm F0 có các đối tượng trong nhóm trên, người đại diện cần khai báo y tế rõ về tình hình sức khỏe của người đang tiếp nhận điều trị: mắc bệnh gì, điều trị trong bao lâu, đang dùng những loại thuốc nào và có cần hỗ trợ về mặt thiết bị y tế hay không… Nếu đang mang thai, cần báo rõ thai kỳ bao nhiêu tuần để có phương án điều trị phù hợp và hỗ trợ kịp thời.
- Cần báo số mũi vắc-xin các F0 đã tiêm. Nếu đã tiêm 2 mũi thì ghi chú rõ các mũi 1 và 2 tiêm vào ngày nào, loại vắc-xin gì, có triệu chứng dị ứng nào sau tiêm kéo dài hơn bình thường hay không…
T.L (tổng hợp)
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận