Y tế - Sức khỏe
Hãy cố gắng bỏ thuốc lá
Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), khói thuốc lá chứa 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất gây ung thư. Khi bạn hút thuốc, tất cả các chất này vào cơ thể, gây ra 25 bệnh nguy hiểm. Mặc dù độc hại như vậy, nhưng Việt Nam lại nằm trong tốp quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao trên thế giới, với tỷ lệ trên 45% nam giới hút thuốc.
Ảnh: Internet
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng cao gấp nhiều lần so với người không hút. Người không hút thuốc sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh: đục thủy tinh thể, loãng xương, vảy nến, viêm tắc tĩnh mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường sinh sản… Nếu tính trên toàn thể cộng đồng thì 90% ung thư phổi, 75% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là người hút thuốc lá. Xét về mặt kinh tế, nếu bớt đi 10.000 đồng mua thuốc lá mỗi ngày, mỗi năm tiết kiệm được 3,6 triệu đồng. Hãy nhân lên khi bạn mua thuốc lá ở giá cao hơn. Mỗi năm, thế giới có 600.000 người tử vong do hút thuốc thụ động; trong đó 64% là nữ giới. Đây là những người hít phải khói thuốc lá do người khác hút. Đặc biệt, đối với trẻ em có lá phổi dễ tổn thương hơn người lớn nên dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có trong thuốc lá như: Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh ra cân nhẹ hơn, trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hít thở, viêm tai giữa, các triệu chứng hen.
Như vậy, cần làm gì để giảm tác hại của thuốc lá? Nếu bạn là người hút thuốc thì hãy cố gắng bỏ thuốc. Trong khi chưa bỏ được thuốc thì không hút thuốc trong nhà, không hút thuốc gần phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi. Khi ở nơi công cộng, cần thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại các cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi dành cho trẻ em; các khu vực trong nhà của nơi làm việc, nhà ga, bến xe, nhà chờ xe buýt, trong nhà hàng, trên ô tô và các địa điểm công cộng khác được quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi như: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, nhập lậu; Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi… Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo các nghị định của Chính phủ. Thế nhưng, hiện nay những vi phạm liên quan đến thuốc lá vẫn chưa được xử nghiêm. Dù thanh tra ngành Y tế đã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở y tế và thấy rằng, đa số cán bộ, công nhân viên chức chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, song bệnh nhân và người nhà thì rất khó để thay đổi hành vi của họ. Mặc dù đã nhắc nhở và có quy định xử phạt nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Vì vậy, ý thức của người hút thuốc về tác hại của thuốc lá đối với bản thân và người xung quanh vẫn là quan trọng nhất. Muốn cai nghiện thành công, người hút thuốc lá cần có động cơ cai thuốc lá rõ ràng; hiểu rõ các phương pháp cai; nhận biết những khó chịu sẽ đến trong thời gian đầu ngưng thuốc và cách đối phó như thế nào; chọn thời điểm để bắt đầu cai và quan trọng là đừng bỏ cuộc.
Các chuyên gia cũng cho rằng, không có khái niệm “thất bại” trong cai thuốc lá mà chỉ có khái niệm cai thuốc lá “chưa thành công”. Có đến 90% người cai tái nghiện. Vì vậy, cần có 5 - 6 lần cai nghiện mới thành công. Cai nghiện thuốc lá thành công khi thời gian cai ít nhất 12 tháng chứ không phải thấy hết thèm thuốc là đạt yêu cầu.
Trúc Ly (TH)
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương