Y tế - Sức khỏe
Kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới
Trong khoảng hơn một tuần qua đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã và đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại khi số ca mắc mới ngày càng tăng. Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh yêu cầu tất cả các ban ngành, địa phương và người dân nêu cao tinh thần tự giác, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.
Lấy mẫu tầm soát COVID-19.
CA MẮC MỚI COVID-19 TĂNG LIÊN TỤC
Theo ghi nhận, từ những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3/2022 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 được ngành Y tế thống kê liên tục tăng cao. Theo đó, ngày 25/2/2022 số ca mắc mới COVID-19 đã có dấu hiệu tăng trở lại khi toàn tỉnh ghi nhận 135 trường hợp. Trong khi trước đó, vào ngày 24/2/2022, toàn tỉnh ghi nhận chỉ có 81 trường hợp. Từ 25/2 - 7/3, số trường hợp mắc mới COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh đã bắt đầu tăng nhanh với hàng trăm ca mỗi ngày. Đơn cử như thông báo của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, sáng ngày 7/3 toàn tỉnh ghi nhận 314 ca nhiễm mới, tăng 79 ca so với ngày trước. Trong đó có 185 ca trong cộng đồng, tăng 28 ca.
Trước tình hình ca bệnh COVID-19 liên tục tăng, đồng nghĩa với việc các cơ sở điều trị sẽ chịu áp lực rất lớn, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thành lập lại các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các địa phương (các cơ sở này đã được giải thể trước đó). Theo đó, các đơn vị được thành lập gồm: Đơn vị thu dung, điều trị COVID-19 thuộc Khoa Nhiễm của Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Lợi với quy mô 60 giường bệnh, đặt tại khu Trung tâm Hành chính huyện Vĩnh Lợi (cơ sở 2); Đơn vị thu dung, điều trị COVID-19 thuộc Khoa Nhiễm của Trung tâm Y tế huyện Đông Hải với quy mô 100 giường bệnh, đặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hải; Đơn vị thu dung, điều trị COVID-19 thuộc Khoa Nhiễm của Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình với quy mô tối thiểu 60 giường bệnh, đặt tại ấp 14 (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình)…
Theo báo cáo của ngành Y tế, trong ngày 6/3/2022 đã có thêm 151 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi đến nay là 36.756 người. Hiện còn 1.815 bệnh nhân đang được điều trị; trong đó có 1.196 bệnh nhân được điều trị tại nhà, còn lại 619 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại các cơ sở y tế. Trong ngày 6/3 không ghi nhận bệnh nhân tử vong do COVID-19. Hiện tổng số bệnh nhân tử vong là 372 người.
Còn theo Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 5/3/2022 đến 16 giờ ngày 6/3/2022, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 142.136 ca nhiễm mới, trong đó có 8 ca nhập cảnh và 142.128 ca ghi nhận trong nước (tăng 10.348 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 92.874 ca trong cộng đồng).
Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại cơ sở y tế.
SIẾT CHẶT CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH
Trước tình hình số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng, bên cạnh đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính, kiểm soát chặt ca nhiễm mới, ca chuyển nặng, tử vong do bệnh COVID-19 thì Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19; rà soát và đề xuất số lượng và chủng loại vắc-xin cần để Bộ Y tế phân bổ kịp thời, hợp lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả.
Tăng cường rà soát người chưa được tiêm chủng, chưa được tiêm đủ liều cơ bản vắc-xin phòng COVID-19 hoặc không thể đến cơ sở tiêm chủng để tiêm bù, tiêm vét, tổ chức tiêm tại nhà (nếu cần thiết) đảm bảo không bỏ sót đối tượng; đồng thời tăng cường triển khai tiêm mũi 3; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19...
Bộ Y tế nhận định, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128.
Tại Bạc Liêu, BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh cũng đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương, người dân cần nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh vì hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn định, còn diễn biến phức tạp. Số ca mắc bệnh trên địa bàn tỉnh trong tuần qua đã tăng trở lại, nếu không kiểm soát được dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo BCĐ, nguyên nhân chính số ca nhiễm COVID-19 tăng gần đây là không thực hiện nghiêm “5K” và một số biện pháp hành chính của chính quyền. Vì vậy, BCĐ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức nếu bị F0 phải chấp hành nghiêm các quy định cách ly, điều trị của ngành Y tế.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, cần triển khai đảm bảo việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đúng đối tượng, thời gian theo quy định. Tiếp tục nhắc nhở mọi người không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh, phải thực hiện nghiêm “5K”, không được xem nhẹ, xem thường COVID-19.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức phải tiếp tục nêu gương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các địa phương cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn giám sát chặt các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Các địa phương phải tiếp tục duy trì tổ y tế để thực hiện tầm soát COVID-19 khi người dân có yêu cầu. Củng cố, duy trì các tổ phòng, chống COVID-19 trong cộng đồng, đội xung kích hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định “5K”.
CHÂU KHÁNH
Số ca cộng đồng tăng nhanh nhưng tỷ lệ tử vong giảm rất mạnh
Theo Bộ Y tế, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta.
Tuy nhiên, do tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Tỷ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).
Cũng theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vắc-xin; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều (còn khoảng 13,6 triệu liều chưa phân bổ đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc-xin), tiêm được hơn 196 triệu liều.
Về tỷ lệ tiêm chủng, với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ mũi 1, mũi 2, mũi 3 lần lượt là 100%, 98,4% và 37,4%. Với đối tượng từ 12 - 17 tuổi, tỷ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%.
Như vậy nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% (ước khoảng hơn 75% đối tượng đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng). Đến hết quý I/2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1/2022, do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4/2022.
P.B.T (tổng hợp)
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận