Y tế - Sức khỏe
Một số biện pháp chăm sóc trẻ khi thời tiết giao mùa
Bệnh do nhiễm trùng gây ra, triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là sốt. Vì thế, ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu, cần đưa trẻ đi khám để xác định xem hiện tượng nóng sốt ở trẻ là do loại bệnh lý nào để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa: C.K
Khi trẻ chảy nhiều nước mũi hay bị ngạt mũi, cha mẹ có thể lấy khăn giấy để làm thông thoáng mũi cho bé. Sau đó, nhỏ nước muối sinh lý loại dành cho trẻ em vào hai bên mũi để làm loãng dịch mũi. Lấy dịch mũi ra bằng dụng cụ hút mũi, không được dùng miệng để hút mũi cho trẻ vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại. Cuối cùng, lấy tăm bông sạch để làm khô mũi cho trẻ. Lưu ý, cần thực hiện trước khi cho trẻ ăn hoặc bú sữa giúp tránh bị nôn trớ. Nên bế trẻ ở tư thế đứng song song với cơ thể mẹ, hoặc đặt trẻ nằm cao đầu. Mặc dù nước muối sinh lý mang lại hiệu quả tốt, giúp mũi thông thoáng nhưng không nên lạm dụng nước muối sinh lý quá nhiều, dễ gây teo niêm mạc mũi.
Khi trẻ bị sốt từ 37 - 38,5oC, để hạ sốt, nên cho trẻ nằm trong phòng mát, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Đồng thời cho uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ, lau mát ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm. Thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể để theo dõi xem trẻ giảm sốt hay nhiệt càng tăng.
Để tránh các bệnh viêm đường hô hấp trên và bảo vệ sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa, cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung như:
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo độ tuổi. Tuân thủ lịch tiêm nhắc cho trẻ, đặc biệt là các loại vắc-xin có liên quan đến bệnh theo mùa như: cúm, phế cầu, sởi…
- Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.
- Giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Vệ sinh nhà cửa, các đồ vật thông dụng mà mọi người hay tiếp xúc.
- Hạn chế đến nơi đông người. Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
- Ở nhà khi bị bệnh, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác để tránh lây lan mầm bệnh cho những người xung quanh.
- Đảm bảo giữ ấm cơ thể trong những đợt thời tiết chuyển mùa: tắm nước ấm, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người thật nhanh và mặc quần áo ấm. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà và giữ ấm khi trẻ ngủ.
- Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời bổ sung nước thường xuyên. Ngoài nước lọc có thể uống sinh tố, nước ép hoa quả, sữa, ăn trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất.
Việc phòng bệnh lúc chuyển mùa là vô cùng quan trọng trong cộng đồng và đối với từng người. Bằng các biện pháp hiệu quả sẽ phòng tránh các bệnh và dịch có thể xảy ra, nhất là các bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19.
T.L (TH)
- Khánh thành cầu giao thông nông thôn và tặng quà Tết cho gia đình chính sách huyện Đông Hải
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Họp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
- Khánh thành trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Huyện Hòa Bình: Gần 200 học sinh tham gia Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” năm học 2024 - 2025
- Giải Vô địch Cử tạ thanh thiếu niên và Vô địch Cử tạ trẻ châu Á năm 2024: Vận động viên Thạch Hoàng Sang của Bạc Liêu đoạt 3 huy chương