Y tế - Sức khỏe
Nhận biết sớm những dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm ở phụ nữ, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng hơn 5.000 ca ung thư cổ tử cung mắc mới và có hơn 2.000 ca chết vì bệnh này do chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Theo thống kê, cứ 100.000 phụ nữ thì có khoảng 20 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong.
Bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là bộ phận kết nối giữa tử cung và âm đạo, là bộ phận ngăn cách lòng tử cung với môi trường bên ngoài. Cổ tử cung là nơi nhạy cảm và chịu sự tác động trực tiếp với các yếu tố nguy hại bên ngoài thông qua âm đạo. Ung thư cổ tử cung do các tế bào ở cổ tử cung thay đổi phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể. Các tế bào mới này phát triển quá nhanh, vô tổ chức, hoại tử, chảy máu và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi-rút HPV (Human Papilloma Virus). Có hơn 100 loại vi-rút HPV nhưng chỉ khoảng 40 loại trong số đó có thể gây bệnh ở vùng sinh dục và 15 loại tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Vi-rút HPV lây truyền qua đường tình dục, xâm nhập vào trong tế bào cổ tử cung, phát triển và gây biến đổi gen. Các tế bào bị đột biến gen sẽ phát triển thành ung thư. Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung:
- Quan hệ tình dục sớm;
- Sinh con khi tuổi còn trẻ;
- Sinh con nhiều và liên tục;
- Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình;
- Lạm dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài;
- Có tiền sử mắc các bệnh lây qua đường tình dục (giang mai, lậu, mào gà…);
- Thừa hưởng các yếu tố di truyền trong gia đình;
- Suy giảm hệ miễn dịch mắc phải (đặc biệt là những người nhiễm HIV, AIDS);
- Thói quen hút thuốc lá;
- Căng thẳng thần kinh kéo dài.
Những dấu hiệu nghi ngờ ung thư cổ tử cung
- Ra máu âm đạo bất thường: Ra máu âm đạo dù chưa đến kỳ kinh nguyệt, ra máu âm đạo ở thời điểm sau khi mãn kinh. Ra máu bất thường từ âm đạo, chẳng hạn như ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thời gian ra kinh dài hơn so với chu kỳ bình thường, chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ, chảy máu sau khi đi vệ sinh hoặc khám phụ khoa.
- Rong kinh: Rong kinh khi kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày/lần hành kinh, có thể kèm theo kinh nguyệt ra quá ít hoặc quá nhiều, đau vùng xương chậu, đau bụng dưới.
- Dịch tiết âm đạo bất thường: Dịch âm đạo (huyết trắng sinh lý) có độ dai như lòng trắng trứng, trong và không màu, không mùi; với bệnh ung thư cổ tử cung, dịch tiết ra có mùi hôi, màu hồng/nâu, xanh/đỏ hoặc kèm theo máu, mô hoại tử.
- Đau vùng chậu, lưng hoặc đùi: Đau ở bụng dưới hoặc xương chậu; đau khi quan hệ tình dục; đau dữ dội hoặc dai dẳng vùng chậu chính là dấu hiệu về sự thay đổi ở cổ tử cung. Thậm chí ở giai đoạn nặng hơn, các tế bào ung thư cổ tử cung di căn đến bàng quang, ruột, gan và phổi, gây ra những cơn đau dữ dội.
- Cảm giác mệt mỏi kiệt sức: Mệt mỏi kiệt sức, chán ăn, sụt cân nhanh và nhiều (mất tới 5 - 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng mà không áp dụng phương pháp giảm cân nào và không phát hiện bệnh lý nào khác)… là biểu hiện chung của các bệnh nặng trong đó nghĩ tới hàng đầu là bệnh ung thư.
- Bất thường trong tiểu tiện: Tiểu máu, đau khi đi tiểu, không tiểu được…
- Cảm thấy buồn nôn mọi lúc: Tuy không gặp phải các vấn đề về tiêu hóa nhưng luôn cảm thấy buồn nôn hoặc khó tiêu.
Bác sĩ Phước Nhường
- Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Công nghiệp công nghệ số
- Bạc Liêu có 4/50 điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long
- Gần 700 học sinh, sinh viên, thanh niên và người lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm tỉnh
- Giặt đồ trên ghe, một thanh niên rơi xuống sông tử vong
- Khởi tranh Giải bóng đá các CLB tỉnh Bạc Liêu tranh Cúp Tôn thép Hòa Phát năm 2024