Y tế - Sức khỏe
Những loại trái cây không tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường thường được khuyên tránh xa các thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, bánh. Bởi vậy, không ít người băn khoăn liệu có phải kiêng cả những loại trái cây ngọt. Đa số trái cây đều tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một số loại có lượng đường cao nên bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế.
Xoài, dứa chứa nhiều đường, bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế. Ảnh minh họa: T.L
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ - Kate Patton đã đưa ra lời khuyên giúp bệnh nhân tiểu đường yên tâm: “Bạn đừng sợ trái cây”. Cô cũng chia sẻ cụ thể loại trái cây nào nên ăn và nên tránh để tốt nhất cho sức khỏe.
Mặc dù trái cây chứa đường tự nhiên nhưng hàm lượng chất xơ cao của loại thực phẩm này sẽ cân bằng lượng đường. “Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều đó giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn và ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến”, chuyên gia Patton giải thích.
Ngoài ra, lượng carbohydrate lành mạnh trong trái cây sẽ giúp cung cấp năng lượng cho não, tế bào hồng cầu. Trái cây cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.
Loại trái cây nên ăn
Tất cả trái cây đều tốt ngay cả với bệnh nhân tiểu đường. Nhưng bạn nên sử dụng các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp để tốt nhất cho sức khỏe. Đây là cách để phân loại thực phẩm chứa carbohydrate và tốc độ làm tăng lượng đường trong máu.
Chỉ số đường huyết dựa trên thang điểm từ 0 tới 100. Các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp (dưới 50) sẽ không gây ra sự thay đổi lớn về lượng đường trong máu của bạn. Đó là táo, đào, mơ, lê, nho, cam, dâu tây, bưởi, lựu, sung, bơ…
“Các loại rau quả nhiều màu sắc có đủ loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Để có những dưỡng chất tốt nhất, hãy tìm loại trái cây trong nhóm 7 sắc cầu vồng”, chuyên gia Patton khuyên.
Loại trái cây nên tránh
Không có loại trái cây nào bị coi là xấu hoàn toàn nhưng một vài quả có chỉ số đường huyết cao, khiến lượng đường trong máu của bạn tăng nhanh. Bởi vậy, bạn nên hạn chế các loại trái cây như: chuối, xoài, dứa, nho khô, dưa hấu.
Ngoài ra, trái cây qua chế biến như sốt táo, quả đóng hộp không tốt cho bệnh nhân tiểu đường vì ít chất xơ và có thể được bổ sung thêm đường. Trái cây sấy khô có thể tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều và bạn hãy chọn loại không đường. Nước ép trái cây cũng không phải lựa chọn tốt do có nhiều đường cô đặc mà thiếu chất xơ.
Bạn nên ăn bao nhiêu trái cây?
Hướng dẫn chế độ ăn uống của Mỹ khuyến nghị mỗi người nên ăn 400g rau quả mỗi ngày dù bạn có bị tiểu đường hay không.
Vì trái cây có nhiều calo và đường hơn rau, chuyên gia Patton khuyên bạn nên ăn 3 phần rau, 2 phần quả. Ngoài ra, hãy cố gắng phân bổ thời gian ăn trái cây trong ngày, đừng ăn hết cả một túi nho cùng lúc.
C.K (T.H)
- Liên kết tiêu thụ để nâng giá trị rau màu
- Phát triển kinh tế - xã hội: Chờ giải pháp đột phá
- Tinh gọn bộ máy chính trị: Chủ động, hiệu quả và đồng thuận
- Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam toàn quốc lần thứ IX
- Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu