Y tế - Sức khỏe

Nỗ lực chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng

Thứ Hai, 22/03/2021 | 16:29

Bệnh lao là bệnh nhiễm trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis), các bệnh thường gặp là lao phổi, lao màng phổi, lao hạch, lao màng não... Trước đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao là bệnh cơ hội trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV/AIDS, làm công cuộc phòng chống bệnh lao ngày càng cam go và phức tạp hơn.

Phụ nữ đang điều trị bệnh lao vẫn có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ. Minh họa: Internet

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh lao và bệnh lao phổi thường gặp

Người bệnh ho, ho ra máu, khạc đàm kéo dài: ho trên 2 tuần, dùng thuốc kháng sinh không giảm. Gầy, sút cân nhanh, chán ăn, mệt mỏi, gầy, cơ thể suy yếu… Sốt, ra mồ hôi: Sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc ớn lạnh về chiều, ra nhiều mồ hôi…

Điều trị bệnh lao

Bệnh nhân lao phải được chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị bệnh tại cơ sở chuyên khoa lao, uống thuốc chống lao đúng phác đồ, đúng liều, đều đặn hàng ngày và đủ thời gian. Hiện Bạc Liêu đã thành lập bệnh viện chuyên khoa lao, tọa lạc tại địa chỉ 01/781, đường Tỉnh lộ 38, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu.

Người bệnh cần phải xét nghiệm lại đàm 3 lần vào các thời điểm: sau tháng thứ 2, hoặc thứ 3 của giai đoạn điều trị tấn công, sau tháng thứ 5 và thứ 8 của giai đoạn điều trị duy trì. Sau khi điều trị thuốc chống lao được vài tuần, dấu hiệu bệnh thuyên giảm, bệnh nhân thấy người khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn và có thể tăng cân, đó là biểu hiện tốt, nhưng bệnh vẫn chưa khỏi hẳn, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị cho đủ 8 tháng. Nếu bệnh nhân bỏ dở điều trị (ngừng dùng thuốc trước 8 tháng) bệnh sẽ không khỏi, nhanh tái phát trở lại và đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn lao trở nên kháng lại các thuốc chống lao, dẫn đến việc điều trị về sau này sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Thuốc chống lao có thể gặp một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, chóng mặt, ngứa... Nếu bệnh nhân giảm thị lực (nhìn mờ), giảm thính lực (nghe kém), đau khớp, hoặc thấy vàng mắt thì cần phải ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay.

Các thuốc sử dụng điều trị lao vẫn an toàn đối với phụ nữ mang thai, vì vậy, phụ nữ đang mang thai nếu có mắc bệnh lao vẫn có thể tiếp tục điều trị bệnh lao (không sử dụng Streptomycin vì có thể gây điếc cho thai nhi). Tốt nhất tránh mang thai trong khi đang điều trị bệnh lao, nhưng không nên quá lo lắng nếu có thai mới phát hiện bệnh lao. Phụ nữ đang điều trị bệnh lao vẫn có thể tiếp tục cho con bú sữa mẹ, nguy cơ tác động có hại của thuốc chống lao đối với trẻ em là rất ít. Tuy nhiên, nên đưa trẻ đi khám định kỳ để phát hiện kịp thời những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thuốc chống lao.

Những điều bệnh nhân lao cần nhớ

Bệnh lao chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân uống thuốc đều đặn, đúng liều và đủ 8 tháng. Bệnh nhân cần đến khám lại mỗi tháng/lần. Nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ có hại của thuốc như: Mờ mắt, chóng mặt, nghe khó, vàng da, vàng mắt..., thì cần phải ngừng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay. Bệnh nhân tuyệt đối không được hút thuốc lá, không được uống rượu. Người mắc bệnh lao có thể ăn, ở cùng mọi người trong gia đình nhưng phải uống thuốc đúng chỉ dẫn, cũng như không cần ăn kiêng (ngoại trừ người bệnh lao có kèm theo đái tháo đường).

Đối với bệnh nhân lao đồng thời bị nhiễm HIV/AIDS: Bình thường khi bị nhiễm lao người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh lao là 10% trong cả cuộc đời; nếu nhiễm thêm HIV nguy cơ đó là 10% mỗi năm, bởi vì nhiễm HIV làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao trong cơ thể sinh sôi, tăng nhiều về số lượng và gây bệnh lao. Nghĩa là ở bệnh nhân nhiễm HIV nguy cơ trong đời bị mắc bệnh lao sẽ tăng lên 30 lần. Lao và HIV/AIDS là tình trạng hai bệnh nguy hiểm đồng thời trên một người bệnh, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Phước Nhường

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.