Y tế - Sức khỏe
Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Chế tài phải đủ mạnh
Không chết đột ngột như tai nạn giao thông, không bàng hoàng như khi biết mình bị nhiễm HIV/AIDS, cũng không ám ảnh bằng phát hiện ra mình bị ung thư…; nhiều người hút thuốc lá vẫn đang vô tư hằng ngày đưa 7.000 chất độc vào người. Hành động ấy mỗi năm cướp đi 40.000 sinh mạng.
Điều đáng nói là việc phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay chưa thật hiệu quả, bởi luật chưa đủ mạnh, chế tài chưa đủ sức răn đe…
Ảnh minh họa: T.L
CHẾ TÀI CHƯA ĐỦ SỨC RĂN ĐE
Mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, nhưng sau nhiều năm thực hiện, đến nay vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả. Bởi, chính Luật cũng chưa thể hiện sức mạnh để buộc người dân phải tuân thủ.
Trong Luật không dùng từ “cấm” mà là “hạn chế” hút thuốc lá, điều đó khiến cho quy định trở nên yếu thế, thiếu nghiêm ngặt, kiểu như “hạn chế” được thì tốt, không “hạn chế” được cũng… không sao. Tại Điều 6, Luật quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá; yêu cầu đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ…, nhưng lại không ai kiểm tra, không xử phạt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thực hiện thì cũng chẳng bị xử lý hay ảnh hưởng.
Ngoài ra, Luật cũng quy định đưa việc “hạn chế” hoặc “không hút thuốc lá” trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Tuy nhiên, trong thực tế rất khó thực hiện.
Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là phù hợp, nhưng Bộ Y tế phải cụ thể Điều 6 và có chế tài kèm theo. Bởi, có một thực tế là nhiều cán bộ, công chức nhà nước vẫn hút thuốc trong công sở, thậm chí hút ngay trong buổi họp, buổi làm việc mà không ai nhắc nhở, xử phạt. Hoặc, tại các nơi cấm như: bệnh viện, khu vui chơi trẻ con, nhà hàng…, người ta vẫn thoải mái nhả khói thuốc. Điều cần thiết hiện nay là Bộ Y tế nên phối hợp bằng một thông tư liên ngành với Công an, Bộ Tư pháp để thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá là thủ phạm gây ra cái chết của 6 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó Việt Nam là 40.000 người/năm vì các bệnh ung thư, tim mạch, bệnh khí thũng (emphysema), phổi tắc nghẽn mạn và nhiều bệnh khác nữa. Thế nhưng, cái chết do thuốc lá diễn ra từ từ, âm thầm và kéo dài nhiều năm, nên nhiều người không thấy sợ.
CẦN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG
Để người dân hiểu hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe bản thân và những người xung quanh, ngoài việc xử phạt nghiêm minh theo luật, Bộ Y tế mà cụ thể là tại mỗi địa phương, Sở Y tế cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để mọi người hiểu, nhận thức được tác hại nguy hiểm của thuốc lá. Trên cơ sở nhận thức, họ sẽ là người chủ động từ bỏ thuốc lá.
Đi đôi với công tác truyền thông, việc thực hiện của cán bộ, công nhân viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá cần được đưa vào tiêu chí xét thi đua - khen thưởng hằng năm một cách nghiêm túc, chắc chắn số người hút thuốc ở đơn vị đó sẽ giảm tích cực.
Mặt khác, Nhà nước buộc các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá in cảnh báo tác hại của thuốc lá bằng hình ảnh gây “sốc” hơn nữa trên bao bì. Bởi việc này có tác động rất lớn đến người hút thuốc. Nhiều quốc gia trên thế giới như: Canada, Úc, Thái Lan, Singapore, Brazil… đã thực hiện và đã hạn chế được hàng trăm ca tử vong mỗi năm vì thuốc lá, đồng thời giúp tăng động lực bỏ thuốc của người hút. Ngoài ra, cũng cần đánh thuế cao đối với mặt hàng thuốc lá để người hút tự hạn chế lượng thuốc lá tiêu dùng mỗi ngày.
TRÚC LY (T.H)
- Bạc Liêu tham gia nhiều hoạt động tại Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL
- Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12)
- Tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm
- Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác biên phòng năm 2024
- Họp báo thông tin về kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa X