Y tế - Sức khỏe

Phòng ngừa bệnh bại liệt: Trẻ vẫn cần tiêm nhắc lại một mũi vắc-xin bại liệt

Thứ Hai, 18/01/2021 | 16:24

Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính lây truyền qua đường tiêu hóa do vi-rút Polio, có thể lây lan thành dịch. Người bệnh có khả năng đào thải vi-rút từ 10 ngày trước và 14 ngày sau khi khởi phát. Người lành mang vi-rút cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh bí ẩn và kéo dài trong cộng đồng khó phát hiện và phòng ngừa. Vì con người là nguồn chứa vi-rút bại liệt duy nhất nên việc tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm chủng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất.

Tiêm phòng đúng liều đúng lịch, vắc-xin mới đạt được hiệu phòng bệnh tốt nhất. Ảnh minh họa: C.K

Triệu chứng bệnh bại liệt

- Thể liệt mềm cấp điển hình: Chiếm 1% với các triệu chứng sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Mức độ liệt tối đa là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Liệt ở chi, không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động.

- Thể viêm màng não vô khuẩn: Sốt, nhức đầu, đau cơ, cứng gáy.

- Thể nhẹ: Sốt, khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, có thể phục hồi trong vài ngày.

- Thể ẩn: Không rõ triệu chứng, là thể thường gặp, thể nhẹ có thể biến chuyển sang nặng.

Hiện nay, có 3 loại vắc-xin phòng bệnh bại liệt

Vắc-xin bại liệt đường uống OPV: Vắc-xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV) chứa vi-rút bại liệt sống đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch, miễn dịch này giúp cho cơ thể phòng vệ, không cho vi-rút xâm nhập vào cơ thể. Vắc-xin bại liệt dạng uống này nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và trẻ được uống khi 2, 3 và 4 tháng tuổi (uống 3 liều OPV).

Vắc-xin bại liệt đường tiêm IPV: Vắc-xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) chứa vi-rút bại liệt được làm chết (sau khi xử lý bất hoạt) có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Tiêm vắc-xin IPV được đưa vào chiến dịch tiêm nhắc lại cho trẻ.

Vắc-xin phòng bệnh bại liệt phối hợp: Tại các điểm tiêm phòng dịch vụ, các loại vắc-xin phối hợp có thành phần ngừa bại liệt bao gồm: Vắc-xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp) ngừa được 6 bệnh bao gồm bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra. Vắc-xin 5in1 Pentaxim (Pháp) ngừa được 5 bệnh bao gồm bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và các bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra. Vắc-xin Tetraxim (Pháp) ngừa được 4 bệnh bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Đối tượng nào cần tiêm phòng bại liệt?

Đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm vi-rút bại liệt là những người chưa được tiêm phòng vắc-xin bại liệt. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 7 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh bại liệt.

Hiện nay, lịch uống và tiêm vắc-xin bại liệt của Chương trình tiêm chủng mở rộng là uống 3 liều vắc-xin bại liệt (OPV) vào thời điểm trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi, khi trẻ 5 tháng tuổi sẽ tiêm một mũi vắc-xin bại liệt (IPV).

Đối với tiêm phòng dịch vụ, các mũi tiêm có thành phần bại liệt bao gồm:

Vắc-xin 6in1 Infanrix Hexa (Bỉ) và 6in1 Hexaxim (Pháp), vắc-xin 5in1 Pentaxim (Pháp) tiêm 3 mũi chính từ 2, 3, 4 tháng tuổi. Mũi 4 tiêm nhắc lại khi trẻ 16 - 18 tháng tuổi.

Vắc-xin phòng 4 bệnh Tetraxim (Pháp) nên được bắt đầu từ tháng thứ 2. Hai mũi tiếp theo tiêm cách nhau khoảng 1 - 2 tháng. Mũi nhắc lại được tiêm vào năm thứ 2.

Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc-xin bại liệt

- Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc-xin lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.

- Suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc-xin sống giảm độc lực.

- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin.

+ Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng:

 Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…).

+ Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng.

+ Trẻ sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).

+ Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) nên tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin sống giảm độc lực.

+ Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng nên tạm hoãn tiêm chủng vắc-xin sống giảm độc lực.

- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).

Không nên trì hoãn tiêm chủng nếu chỉ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc cấp tính nhẹ mà không sốt, vì chỉ khi tiêm phòng đúng liều đúng lịch, vắc-xin mới đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Bác sĩ PHƯỚC NHƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.