Y tế - Sức khỏe

Phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả

Thứ Hai, 12/06/2023 | 15:37

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, phần lớn thường diễn biến không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, trẻ đột ngột tiến triển nặng và gặp phải biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, các bậc phụ huynh không nên chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp để phòng tránh bệnh tay chân miệng hiệu quả.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Một số lưu ý về bệnh tay chân miệng

Độ tuổi bị tay chân miệng là bao nhiêu?

Tất cả những người chưa từng mắc bệnh tay chân miệng đều là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên không phải ai bị nhiễm bệnh cũng có biểu hiện triệu chứng.

Độ tuổi bị tay chân miệng chủ yếu là ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi. Lưu ý, các trẻ càng nhỏ thì biến chứng càng dễ diễn biến nặng.

Đối tượng mắc bệnh tay chân miệng thường là trẻ em vì cơ thể trẻ có ít kháng thể hơn so với người lớn và khả năng miễn dịch cũng kém hơn khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Hầu hết người lớn đã được miễn dịch, song vẫn có trường hợp mắc bệnh ở đối tượng thanh thiếu niên và người lớn.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây ra, trong đó 2 loại virus gây bệnh phổ biến là virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, virus Coxsackievirus A16 thường chỉ gây ra triệu chứng nhẹ, còn virus EV71 thì thường gây biến chứng đặc biệt nghiêm trọng.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao chính là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ còn kém, rất dễ bị virus xâm nhập và gây bệnh. Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng của người bệnh. Do đó, nếu không biết cách phòng tránh bệnh tay chân miệng, bệnh rất dễ lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch.

Một số dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Bệnh được chia làm những giai đoạn khác nhau và mỗi giai đoạn lại có những triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau:

Ở giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn ủ bệnh thường diễn ra trong khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi virus xâm nhập vào cơ thể trẻ. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các dấu hiệu thường chưa xuất hiện.

Giai đoạn khởi phát: Giai đoạn khởi phát bệnh sẽ diễn ra trong khoảng từ 1 - 2 ngày với một số triệu chứng như trẻ bị đau họng, biếng ăn, sốt nhẹ, thường xuyên quấy khóc, có biểu hiện mệt mỏi và có thể bị tiêu chảy…

Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 - 10 ngày. Một số biểu hiện bệnh ở giai đoạn này là: Trẻ bị loét miệng, đau miệng, xuất hiện những nốt phát ban có dạng phỏng nước với đường kính khoảng vài milimet ở miệng, lòng bàn tay bàn chân, mông; bỏ ăn; sốt nhẹ; nếu trẻ sốt cao mà không được điều trị sớm sẽ dễ gây biến chứng.

Giai đoạn lui bệnh: Đây là giai đoạn trẻ được hồi phục hoàn toàn và không xuất hiện biến chứng. Thời gian lui bệnh thường diễn ra từ 3 - 5 ngày sau.

Vệ sinh tay sạch sẽ để phòng tránh bệnh tay chân miệng.

Phương pháp điều trị và phòng tránh bệnh tay chân miệng

Phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành cho bệnh tay chân miệng. Phương pháp được áp dụng phổ biến vẫn là điều trị triệu chứng, thông thường bệnh nhân sẽ hồi phục trong khoảng 7 - 10 ngày. Đối với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như suy hô hấp, suy tuần hoàn, bệnh nhân cần được điều trị tích cực để duy trì sự sống.

Để điều trị triệu chứng, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc gây tê tại chỗ giúp bệnh nhân giảm đau ở các vết loét. Các bậc phụ huynh lưu ý, không dùng thuốc Aspirin cho trẻ vì có thể dẫn tới hội chứng Reye làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ.

Một số bậc phụ huynh mua thuốc kháng sinh và tự ý điều trị cho con. Đây là thói quen sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. Phụ huynh cần hiểu rằng, kháng sinh chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn và không có tác dụng tiêu diệt virus. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng là do virus gây ra.

Lưu ý: Một số phụ huynh thường nhầm lẫn biểu hiện của trẻ bị tay chân miệng với những căn bệnh khác. Chẳng hạn tình trạng trẻ bị sốt và chảy nhiều nước bọt, cha mẹ lại nhầm lẫn với biểu hiện mọc răng của trẻ, trẻ bị nổi ban ở mông mà cha mẹ lại nhầm là do hăm tã… Vì thế, lời khuyên cho các bậc cha mẹ là theo dõi từng biểu hiện nhỏ nhất của trẻ và kịp thời đưa trẻ đi thăm khám để phòng tránh tối đa nguy cơ biến chứng của bệnh. 

Với những trẻ có triệu chứng bệnh tiến triển nặng, có thể kể đến như tình trạng sốt cao trên 380C, bị giật mình, thở mệt, liên tục quấy khóc, trẻ ngủ li bì, thậm chí hôn mê, co giật, cha  mẹ không nên chần chừ mà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

Để phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ, phụ huynh cần chú ý những điều sau:

Giữ vệ sinh cá nhân

Đây là phương pháp hiệu quả giúp phòng ngừa được bệnh tay chân miệng và nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác. Mẹ nên hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không nên cho trẻ dùng chung đồ dùng cá nhân với người lớn, chẳng hạn như khăn tắm, khăn mặt…

Giữ vệ sinh ăn uống

Khi nấu thức ăn cho trẻ, mẹ cần vệ sinh tay và dụng cụ nấu ăn sạch sẽ. Đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi. Không nên cho trẻ mút tay hay bốc thức ăn, khử trùng muỗng, chén trước khi cho trẻ ăn.

Thường xuyên vệ sinh không gian vui chơi và làm sạch đồ chơi của trẻ

Gia đình nên chú ý vệ sinh không gian vui chơi của trẻ, đặc biệt là những nơi mà trẻ hay tiếp xúc như mặt bàn, mặt ghế, sàn nhà. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên làm sạch đồ chơi của trẻ mỗi ngày. Không nên cho trẻ ngậm, mút đồ chơi.

TRÚC LY (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.