Y tế - Sức khỏe
Tránh để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”
Trước tình hình tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở một số địa phương của khu vực phía Nam còn chậm, Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm mũi 4 vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: C.K
Tiến độ tiêm nhắc đang có chiều hướng chậm
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 các loại khác nhau; đã phân bổ 228,8 triệu liều vắc-xin, còn lại hơn 22,2 triệu liều vắc-xin Moderna và Pfizer. Đến hết ngày 23/6/2022, cả nước đã tiêm 227 triệu mũi vắc-xin phòng COVID-19 các loại. Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn.
Hiện mục tiêu tiêm chủng liều cơ bản và tiêm bổ sung cho người lớn: Hoàn thành với tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 khoảng 100%; Mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi cơ bản hoàn thành, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản trên 95%. Mục tiêu tiêm nhắc cho người lớn: Tỷ lệ người đủ điều kiện đã được tiêm mũi 3 mới đạt 64,7%. Tiến độ tiêm nhắc trong những ngày gần đây có chiều hướng chậm. Số liều tiêm mũi 4 mới đạt hơn 2,5 triệu. Về mục tiêu tiêm cho nhóm 5 đến dưới 12 tuổi với mũi 1 đạt 47,1%, một số địa phương đang triển khai mũi 2 cho nhóm đối tượng này (10,8%).
Tuy nhiên thông tin tại hội nghị cho thấy tiến độ tiêm nhắc mũi 1, 2, mũi 3 và 4 chậm tại hầu hết các địa phương, có tình trạng tồn đọng nhiều vắc-xin COVID-19 tại tuyến Trung ương và một số địa phương, dẫn tới nguy cơ cao hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vắc-xin và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia tiêm chủng cũng như các địa phương đều cho rằng sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Ngoài ra, thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại.
Nhiều trường hợp không đồng ý tiêm vắc-xin tiếp theo
“Có 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm bổ sung vắc-xin phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo”, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương dẫn chứng.
Còn theo đại diện Sở Y tế Đồng Nai, Sở Y tế Tây Ninh cho biết, lực lượng y tế địa phương đã đi tuyên truyền, vận động ở nhiều nơi, tổ chức các điểm tiêm tại khu dân cư, nhà máy, xí nghiệp… để tiêm hết lượng vắc-xin đã được phân bổ, không phải rơi vào tình trạng tồn…, nhưng tỷ lệ tiêm rất ít. Chẳng hạn như một nhà máy ở Đồng Nai có đến hơn 30.000 người lao động, nhưng qua vận động, tổ chức 5 - 6 bàn tiêm trực tiếp tại nhà máy cũng chỉ có 480 người tiêm mũi 3.
“Chúng tôi tổ chức tiêm cả ngày nghỉ, cả thứ Bảy, Chủ nhật, rồi đưa cán bộ tiêm tận nơi tuyên truyền, vận động mời đi tiêm nhưng nhiều người dân vẫn từ chối không tiêm”, đại diện ngành Y tế một tỉnh phía Nam bày tỏ.
Phát biểu tại cuộc họp sau khi nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia và các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, nước ta đã đạt độ bao phủ vắc-xin cơ bản cho các đối tượng theo quy định. “Chúng ta đã kiểm soát được tình hình và chuyển sang bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số mắc, trên thực tế một số quốc gia đã tăng ca bệnh trở lại. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Đặc biệt, đối với TP. Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh phía Nam phải nâng tỷ lệ cao hơn nữa, hiện tốc độ tiêm chủng rất chậm so với các tỉnh miền Trung và phía Bắc” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, qua ý kiến của các địa phương cho thấy đối tượng cần tiêm vắc-xin phòng COVID-19 rất nhiều, nhưng chúng ta tiêm chưa hết chứ không phải thừa vắc-xin.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu trong công tác truyền thông về tiêm vắc-xin phòng COVID-19, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế phải đẩy mạnh việc thông tin về vai trò, lợi ích của vắc-xin với phòng chống dịch, việc không tiêm vắc-xin theo hướng dẫn sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân mỗi người thế nào..., đặc biệt là truyền thông về hiệu lực, hiệu quả của tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đối với nhóm tuổi trẻ em...
Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, ngoài dịch COVID-19, trong thời gian gần đây dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng… bùng phát mạnh, gia tăng tại nhiều tỉnh, thành… Bên cạnh đó, các dịch bệnh khác như viêm gan cấp tính ở trẻ em, đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Do đó, các địa phương cùng với chống dịch COVID-19 phải triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác, tránh để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”.
Vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế tại các địa phương cần phải được quan tâm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
T.L (TH)
Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên tiếp tục nhấn mạnh địa phương nào không nhận vắc-xin, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Bộ Y tế để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ và phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch trên địa bàn.
- Đài Truyền hình Việt Nam: Ghi hình chương trình Tết “12 con giáp” tại Bạc Liêu
- Công an Phường 2: Trả lại kiện hàng trị giá gần 37 triệu đồng cho người đánh rơi
- Hyundai Thành Công Bạc Liêu: Tận tâm phục vụ quý khách
- Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 10
- 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân: Những kết quả đáng ghi nhận