Y tế - Sức khỏe

TRIỆU CHỨNG, NGUYÊN NHÂN, CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA CÚM A/H5N1

Thứ Hai, 01/04/2024 | 15:37

Bộ Y tế vừa có thông báo chính thức về ca tử vong mới nhất do cúm A/H5N1. Nam bệnh nhân 21 tuổi (trú tại TX. Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là sinh viên Trường đại học Nha Trang, đã tử vong sau 8 ngày điều trị vào ngày 23/3, hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm. Đây là trường hợp mắc cúm A/H5N1 thứ 2 kể từ năm 2014 sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 10/2022, Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp.

Chế biến gia cầm nhiễm vi-rút là một trong những đường lây H5N1. Ảnh minh họa: Internet

Cúm A/H5N1 là gì?

Đây là bệnh truyền nhiễm do vi-rút cúm gia cầm gây ra và lây cho người. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Đặc biệt, vi-rút A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao, trên 50%. Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Từ cuối năm 2023 đến nay, thế giới ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng vi-rút cúm A/H5N1. Campuchia tiếp tục ghi nhận các ca bệnh cúm A/H5N1 trên người từ cuối năm 2023. Ở Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay có 6 ổ dịch cúm gia cầm tại Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người vẫn tiềm ẩn. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguồn truyền nhiễm cúm H5N1 là chim nước di trú, hầu hết là các loài vịt. Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với loài chim nước di cư là nguyên nhân của dịch và những chợ bán chim sống cũng có nguy cơ làm lan truyền dịch.

Nhiễm vi-rút cúm gia cầm ở người xảy ra đồng thời với dịch cúm gia cầm có độc lực cao ở các loài gia cầm. Các điều tra cho thấy người bệnh có tiếp xúc mật thiết với gia cầm nhiễm bệnh và vi-rút lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người.

Thời kỳ ủ bệnh của cúm H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm theo mùa, từ 2 - 8 ngày và có thể dài đến 17 ngày. Thời kỳ lây bệnh như cúm mùa, người bệnh đào thải vi-rút khoảng 1 - 2 ngày trước khi khởi phát và 3 - 5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên có thể dài hơn, từ 7 - 10 ngày.

Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín, hoặc chế biến không hợp vệ sinh. Vi-rút chết ở nhiệt độ 560C trong 3 giờ và 600C trong 30 phút và các chất tẩy uế thông thường như formalin, iodin.

Cúm A/H5N1 lây qua đường nào?

Vi-rút H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ. Đường lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ, có một số việc làm có thể khiến chúng ta nhiễm bệnh như: tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh; chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh; tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh); ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín.

Triệu chứng cúm A/H5N1 ở người

Khi bị nhiễm cúm A/H5N1, các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt cao trên 380C, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy.

Tình trạng nhiễm trùng vi-rút có nguy cơ cao tiến triển nhanh thành các bệnh hô hấp nguy hiểm (như hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính - bị khó thở, thở gấp, viêm phổi) hay có những tác động thần kinh (co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường)…

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm A/H5N1

Bệnh cúm A/H5N1 có 3 giai đoạn phát triển:

Đầu tiên là thời gian ủ bệnh, không có dấu hiệu. Vi-rút cúm có thể ẩn giấu trong cơ thể từ 2 - 8 ngày, tuy nhiên cũng có thể kéo dài tới 17 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.

Tiếp theo là giai đoạn bệnh khởi phát. Lúc này người nhiễm bệnh dần xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ho khan, nhức mỏi cơ thể, chán ăn…

Cuối cùng là thời điểm bệnh bước vào giai đoạn toàn phát. Các triệu chứng cúm A/H5N1 dần trở nên rõ ràng và ở mức độ nặng hơn. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, mất ý thức, đau đầu, đau hốc mắt hay đau dữ dội vùng thắt lưng. Nếu không được chăm sóc y tế đúng cách sớm sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên khó kiểm soát hơn.

Ai có nguy cơ bị cúm A/H5N1?

Đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm A H5N1 chủ yếu giới hạn ở những người có tiếp xúc gần và thường xuyên với gia cầm/chất thải gia cầm mang vi-rút. Trong trường hợp này trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn. Ngoài ra, những người đi du lịch tới các quốc gia đang bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 cũng có thể nhiễm bệnh.

Một tỷ lệ rất nhỏ khác là người chung sống chung trong gia đình có thành viên đang nhiễm H5N1. Đây là lý do vì sao việc phát hiện và điều trị sớm cho người bệnh cũng như khoanh vùng các mối liên hệ gần để kiểm soát là điều rất quan trọng.

Bệnh cúm A/H5N1 có thể lây từ người sang người không?

Các ca nhiễm H5N1 lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm gặp, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra. Trường hợp lây nhiễm từ người sang người được nhắc tới đầu tiên vào năm 1997 sau đợt dịch bùng phát tại Hồng Kông.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi nào có các dấu hiệu cảnh báo nhiễm cúm H5N1 như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi… thì nên tới bác sĩ để chẩn đoán có thật sự bị nhiễm cúm A hay không. Nếu bệnh thì việc phát hiện sớm như thế này sẽ giúp việc điều trị, theo dõi và chăm sóc hiệu quả hơn; nguy cơ xảy ra biến chứng hoặc nguy hiểm tới tính mạng cũng giảm đáng kể.

Trúc Ly (TH)

Ảnh minh họa: Internet

Bộ Y tế khuyến cáo

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

T.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.