Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Hóa giải thách thức trong giảm nghèo theo chuẩn đa chiều
Bài 2: Những “điểm trũng” của giảm nghèo
>>Bài 1: Hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo đa chiều
Giảm nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều nhằm tạo điều kiện để nâng cao mức sống cho người nghèo và chống tái nghèo, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề hạn chế, bất cập.
Tỉnh đoàn bàn giao nhà nhân ái cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Ảnh: H.L
GIẢM NGHÈO CÓ… BỀN VỮNG?
Đó là trăn trở mà các thành viên trong Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã đặt dấu hỏi với các huyện, thị xã, thành phố trong những lần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2017. Vì trong quá trình thực hiện giám sát, một số địa phương báo cáo có kết quả tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa đồng đều. Đơn cử như huyện Vĩnh Lợi bình quân giảm 3,5% hộ nghèo/năm. Với tỷ lệ giảm nghèo như trên, ông Lưu Văn Liêm - thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã thẳng thắn đặt vấn đề với huyện Vĩnh Lợi: “Có việc chạy đua theo thành tích hay không? Chẳng hạn như việc đỡ đầu hộ nghèo chỉ cần từ 3 - 5 triệu đồng là có thể thoát nghèo. Đơn vị cần đánh giá lại tỷ lệ hộ tái nghèo”.
Không riêng gì huyện Vĩnh Lợi, mà nhận đỡ đầu hộ nghèo là cách làm chung của các địa phương trong tỉnh. Với sự giúp đỡ của các sở, ban ngành, đoàn thể các cấp hỗ trợ hộ nghèo từ 3 - 5 triệu đồng qua việc tặng cây - con giống, hoặc phương tiện mua bán để có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Và với số vốn khiêm tốn như vậy, theo thống kê thì đa số các hộ được nhận đỡ đầu này chủ yếu thực hiện mô hình nuôi gà, vịt, nuôi heo ngay khi thời điểm những sản phẩm này đang liên tục bị rớt giá. Điển hình như hộ anh L.T.K (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) được hỗ trợ tôm giống nuôi theo mô hình quảng canh. Nhưng trong quá trình nuôi do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết nên tôm chết trắng. Và chắc chắn là hộ anh K. không thể được tái hỗ trợ trong năm, do đó để có tiền mua con giống tái đầu tư, anh K. lại phải đi vay mượn…
Rõ ràng sự hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo hiện nay chỉ mới mang tính bề nổi, chưa thật sự tính được đường dài cho họ, cũng có nghĩa là tính bền vững trong thoát nghèo của các hộ là rất mong manh. Một trong những bất cập hiện nay cần được làm rõ là hàng năm đến tháng 12 thì các địa phương phải hoàn tất việc khảo sát, đánh giá và công nhận các hộ thoát nghèo, trong khi hầu hết các đơn vị triển khai nhận đỡ đầu hàng ngàn hộ nghèo thì bắt đầu khởi động từ tháng 3, thậm chí có đơn vị đến tháng 5, tháng 6 mới thong thả tiếp cận hộ nghèo mình được nhận.
Bên cạnh đó, giảm nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều ngoài đánh giá đo lường thu nhập thì còn đi kèm một số tiêu chuẩn khác như y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin và môi trường. Với tiêu chí môi trường, nhiều địa phương đã hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh để đáp ứng đủ điều kiện giảm nghèo theo chuẩn mới. Nhưng liệu cách làm này có thật sự giúp người nghèo thoát nghèo một cách bền vững khi công trình nhà tiêu là một công trình “chết”, đầu tư không sinh lãi?!
Đoàn Thanh niên Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu trao học bổng cho học sinh nghèo huyện Phước Long. Ảnh: H.L
CÒN TỒN TẠI TÂM LÝ Ỷ LẠI
Bạc Liêu luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững làm mục tiêu chung, là động lực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội. Bằng nhiều hình thức giúp đỡ hộ nghèo, từ “cầm tay chỉ việc” đến hỗ trợ các phương tiện với mong muốn rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo. Nhưng đi ngược lại với sự quyết tâm, quan tâm chăm lo của của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sở, ban ngành các cấp, vẫn còn một bộ người dân không muốn cởi bỏ “chiếc áo khoác - hộ nghèo”, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Thực tế cho thấy, tỉnh càng quan tâm thì một bộ phận người nghèo càng trông chờ, ỷ lại và đua nhau giành “tấm vé” để được xét vào hộ nghèo.
Vì sao người nghèo lại không muốn thoát nghèo? Phải chăng là do những chính sách ưu đãi quá “hấp dẫn” của Nhà nước dành cho hộ nghèo như được miễn giảm tiền học phí cho con khi đi học, được hỗ trợ về nhà ở, được hỗ trợ vốn phát triển kinh tế và chính sách bảo hiểm xã hội… Chính vì thế mà có không ít hộ nghèo xem nguồn vốn hỗ trợ là những món lợi “không xin, không hưởng” thì sẽ bị người khác hưởng. Từ nhận thức đó, đã biến các chương trình hỗ trợ thành “mảnh đất màu mỡ” để các hộ nghèo tranh nhau giành lấy. Điều đó được minh chứng cụ thể là tuy có nhiều hộ thoát nghèo từ chương trình hỗ trợ nhưng trong số đó có không ít hộ “cố thủ” không muốn trả lại sổ hộ nghèo và sợ bị mất “danh hiệu nghèo”, trong khi bản thân có đủ nguồn lực và điều kiện để thoát nghèo. Đây chính là một trong những “điểm trũng” trong công tác giảm nghèo hiện nay. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có chính sách mới cho công tác giảm nghèo sát với thực tế hơn và đảm bảo giảm nghèo bền vững.
Với tỷ lệ hộ nghèo còn trên 3%, huyện Phước Long được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Văn Thiều - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tại buổi làm việc với huyện về thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2017, thì “Phước Long giảm nghèo cũng chưa thật sự bền vững. Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, bài toán đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn gặp khó khăn, chưa hiệu quả. Chưa đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, đây là giải pháp không chỉ giúp dân thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, mà còn thu ngoại tệ về cho địa phương. Trong khi sinh viên hiện nay ra trường thất nghiệp rất nhiều”.
Công tác giảm nghèo là việc không thể thực hiện một sớm một chiều, nhất là đối với tỉnh còn nhiều khó khăn như Bạc Liêu. Cho nên, vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác giảm nghèo đó là làm như thế nào cho hiệu quả. Bởi nếu thực hiện một cách chung chung, dàn trải, thiếu quyết liệt sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Vậy Bạc Liêu sẽ có những giải pháp gì để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch và chống tái nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển? Xin mời quý bạn đọc tiếp tục theo dõi trong số báo tiếp theo.
HOÀNG LAM
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc tết, tặng quà các cô, chú trong CLB Thắp hương Đền thờ Bác