Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Hóa giải thách thức trong giảm nghèo theo chuẩn đa chiều
LTS: Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 59 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, chuẩn nghèo được xem xét từ cả góc độ thu nhập lẫn mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Rõ ràng, mục tiêu của giảm nghèo theo tiếp cận đa chiều chính là tránh nguy cơ tái nghèo. Tuy nhiên, việc mở rộng tiêu chí nghèo là thách thức không nhỏ trong bài toán giảm nghèo của các địa phương hiện nay.
Bài 1: Hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo đa chiều
Tập trung thực hiện tốt công tác giảm nghèo là một trong những mục tiêu chiến lược được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm. Giảm nghèo theo chuẩn đa chiều cùng với hệ thống chính sách khá toàn diện được các ngành, các cấp trong tỉnh nhanh chóng triển khai thực hiện và bước đầu đã phát huy tính hiệu quả…
Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu tặng phương tiện sản xuất cho hộ nghèo ở huyện Hòa Bình. Ảnh: H.L
CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀO CUỘC
Trong nhiều năm qua, cùng với cả nước, Bạc Liêu đã tích cực thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và xây dựng nhiều mô hình trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho hộ nghèo, tạo điều kiện giúp họ tự vươn lên. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Năm 2015, qua tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (giai đoạn 2016 - 2020), toàn tỉnh có 30.855 hộ nghèo (chiếm 15,55%) và 13.951 hộ cận nghèo (chiếm 7,03%), thì qua nửa nhiệm kỳ thực hiện đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của tỉnh giảm 3,56%/năm (đạt 178% so với Nghị quyết Tỉnh ủy giao). Cụ thể, hộ nghèo của Bạc Liêu giảm còn 8,42% và hộ cận nghèo là 6,64%.
Để có được kết quả này, Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các nhóm đối tượng. Trên cơ sở đó xây dựng, triển khai thực hiện chính sách và các giải pháp giảm nghèo phù hợp, hiệu quả, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Song song đó, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị; quá trình triển khai có chú trọng lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác tuyên truyền các chính sách cho hộ nghèo được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc phân loại, rà soát hộ nghèo, cận nghèo sát với thực tế hơn, lập kế hoạch giảm nghèo ở cơ sở chặt chẽ hơn. Các chính sách cho hộ nghèo, đối tượng an sinh xã hội được các ngành, các cấp triển khai tích cực, thực hiện đầy đủ và kịp thời, đúng quy định. Chính sách đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nghèo được quan tâm, có chuyển biến rõ nét, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững…
Ông Danh Khuôl (ấp Đầu Sấu Đông, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân), một hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương mà cuộc sống gia đình tôi giờ đây đã được cải thiện rất nhiều. Không chỉ hỗ trợ về nhà ở mà còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình tôi về nhiều mặt. Đây chính là nguồn động lực để những hộ nghèo như chúng tôi tiếp tục phấn đấu, hăng say lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Hội LHPN huyện Phước Long tặng nhà tình thương cho hộ nghèo trên địa bàn huyện. Ảnh: H.L
HUY ĐỘNG MỌI NGUỒN LỰC
Xác định thực hiện tốt công tác giảm nghèo là điều kiện bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Một trong những giải pháp cho công tác giảm nghèo bền vững mà BCĐ giảm nghèo đã xác định và chú trọng thực hiện, đó là quyết tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù như: Chương trình 135 (đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế...); Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với 7 xã bãi ngang, ven biển; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin... Nhìn chung, các chính sách được tổ chức triển khai có hiệu quả, góp phần quan trọng trong sản xuất, đời sống và cơ sở hạ tầng ở những xã, ấp đặc biệt khó khăn. Những chính sách này rất phù hợp lòng dân và là điều kiện cần đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc, nên được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Qua nửa nhiệm kỳ, chỉ tính riêng việc vận động Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội cũng vượt hơn con số 202 tỷ đồng, đây là sự đóng góp không nhỏ trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình như TP. Bạc Liêu, đã tập trung huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho người nghèo. Ngoài chính sách của Trung ương, của tỉnh, hàng năm TP. Bạc Liêu còn triển khai thực hiện khá tốt công tác vận động Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội. Cụ thể, từ năm 2015 - 2017, thành phố đã vận động đóng góp Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội được 32,743 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, BCĐ giảm nghèo thành phố đã hỗ trợ nhà ở, trao phương tiện, tặng quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách.
Hay như Phước Long, với quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, BCĐ giảm nghèo của huyện tiếp tục thực hiện chương trình huy động nguồn lực, phân công đảng viên về cơ sở, địa bàn công tác giúp hộ nghèo xây dựng dự án, mô hình sản xuất, cách thức làm ăn, hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, cây - con giống, tạo cơ hội cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…
Phải khẳng định rằng, với sự vào cuộc và chung sức của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho hộ nghèo đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, song, giảm nghèo đa chiều cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức. Vậy Bạc Liêu sẽ làm gì để hóa giải các thách thức này và chủ động chống tình trạng giảm nghèo hình thức hay bệnh thành tích trong giảm nghèo? Xin mời quý bạn đọc tiếp tục theo dõi trong số báo tiếp theo…
HOÀNG LAM
- Các khu, điểm du lịch đón khoảng 245.000 lượt khách trong dịp tết Nguyên đán
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”