Chính trị
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri
Cùng bàn luận
BÚA LIỀM VÀNG 2023
BÚA LIỀM VÀNG 2024
Hóa giải thách thức trong giảm nghèo theo chuẩn đa chiều
Bài cuối: Đổi mới cơ chế hỗ trợ giảm nghèo
>>Bài 1: Hiệu quả từ những chính sách giảm nghèo đa chiều
>>Bài 2: Những “điểm trũng” của giảm nghèo
Công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 được xác định sẽ khó khăn hơn so với giai đoạn trước đây, bởi sự thiếu hụt các chỉ số cơ bản của hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Bạc Liêu cần tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ để tiến tới thực hiện giảm nghèo bền vững.
TỪ “CHO KHÔNG” SANG HỖ TRỢ CÓ ĐIỀU KIỆN
Cùng với hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Bạc Liêu đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho hoạt động giảm nghèo và an sinh xã hội bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo giai đoạn vừa qua không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương trong tỉnh còn chênh lệch, một số huyện tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đơn cử là huyện Hòa Bình, tính đến cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn huyện là 3.409 hộ (chiếm 13,49%) và hộ cận nghèo là 1.812 hộ (chiếm 7,17%). Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo còn cao được xác định là do người dân còn nặng tập quán sản xuất tự phát, ít được chuyển giao và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hơn hết là đa số các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như xã hội chỉ hướng đến cấp phát, “cho không”, từ đó tạo cho người nghèo tâm lý trông chờ, ỷ lại, không tự thân vận động. Trong khi đó, gốc rễ của giảm nghèo phải giải quyết được vấn đề mấu chốt là cải thiện thu nhập và khuyến khích người nghèo ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Ảnh: H.L
Từ thực tiễn trên, thiết nghĩ đã đến lúc cần phải thay đổi cách thức hỗ trợ từ cấp phát, “cho không” sang hỗ trợ, đầu tư có điều kiện. Thay vì với cách làm trước đây là các sở, ban ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu hộ nghèo sẽ “cho không” hộ nghèo từ 3 - 5 triệu đồng thì giờ đây thay đổi bằng cách tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn. Có thể là vay vốn tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để xóa bỏ tâm lý ỷ lại, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo đối với hiệu quả sử dụng đồng vốn, giúp người nghèo hình thành thói quen tiết kiệm, tính toán và biết quản lý tài chính gia đình. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn sẽ được gắn liền với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến công - khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định.
Bên cạnh đó, đối với những hộ nghèo lười lao động, có tư tưởng hưởng thụ, bám vào các chính sách hỗ trợ, thì một mặt các cấp, các ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; mặt khác xây dựng cơ chế ràng buộc trong quá trình thụ hưởng các chính sách hỗ trợ thoát nghèo. Cụ thể là xây dựng khung thời gian hỗ trợ, nếu hết thời hạn quy định mà hộ nghèo vẫn cố tình chây ì, theo đuổi “danh hiệu nghèo”, không rũ bỏ “chiếc áo khoác - hộ nghèo” thì sẽ loại khỏi danh sách nằm trong diện hỗ trợ hộ nghèo. Có như vậy mới tạo ra sự công bằng và tránh gây lãng phí chính sách hỗ trợ, nhất là giảm dần tư duy “cho không”, gây ỷ lại.
Thanh niên xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) mở cơ sở sửa xe gắn máy từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: H.L
TRAO “CẦN CÂU” CHO NGƯỜI NGHÈO
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo đa chiều, các địa phương cần phân tích, đánh giá và phân loại đối tượng nghèo, hộ nghèo, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch, giải pháp và tập trung nguồn vốn ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng dàn trải, cào bằng như thời gian qua. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm tại chỗ. Với tinh thần “cho cần câu thay vì cho xâu cá”, đầu tư cho đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí ở các huyện, xã có nhiều hộ nghèo chính là đang trao “cần câu” cho người nghèo. Một khi người nghèo có nhận thức và có kiến thức, tự thân họ sẽ biết làm gì trên “luống cày” của mình như trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, có hiệu quả cao nhất. Thay vì hỗ trợ tài chính để người nghèo vượt qua khó khăn trước mắt, thì việc hỗ trợ tạo sinh kế mang tính bền vững sẽ giúp người nghèo biết và làm chủ một cái nghề có thể tạo ra thu nhập ổn định, từ đó từng bước vươn lên thoát nghèo. Thực tế cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực. Trước đây, mọi chi tiêu sinh hoạt của cả gia đình đều nhờ vào số tiền làm công: phụ hồ, bốc vác… của anh Nguyễn Văn Thắng (huyện Hòa Bình), nhưng công việc không ổn định nên cuộc sống vô cùng chật vật. Từ khi được chính quyền địa phương vận động tham gia học nghề sửa xe máy, sau khi thạo nghề, mở cơ sở nhỏ, cuộc sống của gia đình anh Thắng theo đó cũng dần được cải thiện.
Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo đa chiều, các địa phương cũng cần tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn phục vụ phát triển sản xuất. Bởi không có giao thông cũng đồng nghĩa với việc không có nền nông nghiệp hàng hóa. Trong khi người nghèo vốn đã khổ, mà sản phẩm làm ra khó tiếp cận thị trường, dẫn đến tình trạng bị tư thương ép giá, khiến cuộc sống của họ càng nghèo hơn. Thực tiễn chứng minh là địa phương nào có giao thông nông thôn thuận tiện thì kinh tế - xã hội nơi đó không ngừng phát triển, giảm được tỷ lệ hộ nghèo nhanh và tăng tỷ lệ hộ khá, giàu.
Với những giải pháp được đặt ra cụ thể cùng sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của cộng đồng cùng vào cuộc, tin tưởng rằng, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu về giảm nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
HOÀNG LAM
- Rộn ràng chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào xuân Ất Tỵ 2025
- Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc Tết các bệnh viện và Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh
- Mở cửa làm việc xuyên Tết, Công an Bạc Liêu phục vụ người dân làm Căn cước
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc tết, tặng quà các cô, chú trong CLB Thắp hương Đền thờ Bác