Khoa học - Công nghệ
Chủ động ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0
Năm 1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai, cùng thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra là bước đánh dấu giai đoạn cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ ba (CMCN 3.0) bắt đầu kết thúc. CMCN 3.0 thoái trào, nhường đường cho CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) ra đời vào đầu thế kỷ 21. Đảng bộ, chính quyền và doanh nghiệp tỉnh nhà đã chủ động đề ra giải pháp tiếp cận, ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bài 3: Cơ hội thực hiện khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL
>>Bài 1: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng
>>Bài 2: Khi “lửa” đã nhen lên
Mong muốn của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bạc Liêu là phấn đấu đưa quê hương phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL và trung bình khá của cả nước vào cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020. Vậy, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị này trong bối cảnh cuộc CMCN mới đang tiến nhanh như vũ bão, Bạc Liêu cần phải làm gì?
Phải có cách tiếp cận bài bản
CMCN lần thứ tư đang trong tiến trình phát triển, đi sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội, của cuộc sống. Do vậy trong nền kinh tế, nó sẽ được ứng dụng toàn bộ. Theo ông Nguyễn Phương Lam - Phó Giám đốc phụ trách Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, không có cách nào khác, buộc Bạc Liêu phải dùng công nghệ, nhưng lộ trình dùng ra sao là câu chuyện quan trọng khác. Ông Lam phân tích: “Bạc Liêu không phải là nơi thuận lợi để tập hợp nguồn nhân lực phát triển công nghệ, nhưng có thể là nơi ứng dụng công nghệ tốt nhất. Đòi hỏi phải có chiến lược, quy hoạch, định hướng rõ ràng, phải có cách tiếp cận bài bản hơn, đầu tư vào công nghệ từng giai đoạn, từng bước thì sẽ hiệu quả”. Có ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại thì sẽ tạo ra năng suất tốt hơn, còn nếu cứ dựa vào lợi thế so sánh (từ tự nhiên mà có hay nguồn lao động rẻ, dồi dào) thì sẽ khó phát triển được.
Bạc Liêu có nhiều thế mạnh, dù là tỉnh nông nghiệp, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 37,5 triệu đồng, nhưng đã tham gia khá sâu rộng trong lĩnh vực Internet và truyền thông. Đến nay tất cả 64 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có truyền dẫn cáp quang, tỷ lệ hộ gia đình nối mạng Internet tăng nhanh, nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh năm 2017 tăng 5 bậc so với năm trước, xếp hạng 55/64 tỉnh, thành phố. Đây là lợi thế để tỉnh có thể ứng dụng công nghệ mới nhất nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển. Song, để tiếp cận công nghệ mới đòi hỏi phải có trí tuệ ở tầm cao tương ứng, tức là phải có đủ năng lực hấp thụ, lúc đó mới có thể làm được.
Tập trung vào thế mạnh nông nghiệp
Từ năm 2001, Bạc Liêu đã xác định mô hình tôm - lúa đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và nay, phát triển theo hướng xanh với 4 trụ cột mà Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra cho Bạc Liêu vào ngày 29/1/2018 có lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tôm, lúa gạo. Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra chỉ tiêu năm 2018 ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm gần 41,9% cơ cấu GRDP, sản lượng thủy sản đạt 339.200 tấn, riêng tôm là 137.000 tấn.
Nói như vậy để thấy rằng, trong thời đại này, tỉnh cần ưu tiên phát triển nông nghiệp thông minh, cả trồng trọt và nuôi thủy, hải sản. Về thủy sản, tỉnh đang xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu theo Quyết định 694/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, với vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của cả nước. Đồng thời là nòng cốt, động lực để “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”.
Đoàn cán bộ tỉnh Ninh Bình tham quan khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Ảnh: N.Q
Ứng dụng có trọng tâm
Để công tác ứng dụng công nghệ mới đi đúng hướng, có trọng tâm, Sở KH-CN sẽ tham mưu UBND tỉnh cho phép đơn vị phối hợp với Công ty cổ phần My Lan (tỉnh Trà Vinh) chuyển giao công nghệ trồng lúa, nuôi tôm hiện đại cho Bạc Liêu. Trong trồng trọt, công ty sử dụng phân bón vi sinh nhiều lớp, bón một lần cho suốt vụ, giúp tiết kiệm lượng phân bón, công lao động, an toàn cho thực phẩm, bảo vệ môi trường và người canh tác. Theo dõi mực nước, quản lý sâu rầy, dịch bệnh trên đồng ruộng bằng hệ thống cảm biến, có thể chuyển thông tin lên “đám mây” và thông báo qua điện thoại. Việc nuôi tôm cũng có hệ thống điều khiển tự động và lãnh đạo doanh nghiệp có thể quản lý, vận hành ao nuôi từ chiếc điện thoại thông minh. Nhưng để nhận chuyển giao công nghệ thành công, ông Phạm Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bạc Liêu, cho biết: “Tối thiểu phải có người biết về công nghệ thông tin. Sau đó, những người muốn ứng dụng phải có đầu óc sáng tạo, tư duy ham học hỏi, nếu không có các điều kiện này thì việc ứng dụng hiệu quả không cao, hoặc rất chậm”.
Cùng chung mong muốn tận dụng thành công thành tựu cuộc CMCN 4.0, kỹ sư Long Văn Nghĩa kiến nghị tỉnh cần tập trung nguồn vốn hỗ trợ khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ để mọi người cùng tham gia sáng tạo từ lao động thực tiễn. Tổng hợp thành những công trình khoa học mang tính thực tiễn gắn liền với cuộc sống. Đồng thời, liên kết với các trường, viện, doanh nghiệp khoa học… đào tạo nguồn nhân lực lành nghề (công nhân công nghệ cao) để áp ứng yêu cầu trong cuộc CMCN 4.0. Riêng tiến sĩ Nguyễn Xuân Khoa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề xuất chính quyền khuyến khích các doanh nghiệp (ngành Thủy sản) đầu tư thành lập trung tâm, viện nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước như các đơn vị nghiên cứu công lập. Các ý kiến khác thì định hướng việc đầu tư công nghệ cao cần tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, và Chính phủ, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện hơn nữa để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lĩnh vực công nghệ cao.
Nguyễn Quốc
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh