Khoa học - Công nghệ
Chủ động ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0
Năm 1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai, cùng thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra là bước đánh dấu giai đoạn cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ ba (CMCN 3.0) bắt đầu kết thúc. CMCN 3.0 thoái trào, nhường đường cho CMCN lần thứ tư (CMCN 4.0) ra đời vào đầu thế kỷ 21. Đảng bộ, chính quyền và doanh nghiệp tỉnh nhà đã chủ động đề ra giải pháp tiếp cận, ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bài cuối: Đi tắt đón đầu công nghệ, ứng dụng vào sản xuất và đời sống
>>Bài 1: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng
>>Bài 2: Khi “lửa” đã nhen lên
>>Bài 3: Cơ hội thực hiện khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá trong vùng ĐBSCL
Để có cái nhìn hệ thống, tổng quát về sự chủ động của tỉnh trước cuộc CMCN lần thứ tư, đồng chí Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho phóng viên (PV) Báo Bạc Liêu buổi phỏng vấn xoay quanh chủ đề này.
PV: Thưa đồng chí, tỉnh dự báo tác động của cuộc CMCN 4.0 đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương như thế nào?
Đồng chí Dương Thành Trung: Cuộc CMCN 4.0 là xu thế tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ, tác động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống xã hội. Trên địa bàn tỉnh, tất cả các ngành kinh tế - xã hội đều có tác động của CMCN 4.0, từ sản xuất nông nghiệp đến công thương, xây dựng, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, quản lý nhà nước... Từ đó, đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP)...
Nền kinh tế Bạc Liêu hiện nay vẫn dựa nhiều vào các ngành gia công có chi phí trung gian lớn, giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp. Lực lượng lao động lành nghề vừa thiếu, vừa yếu, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao; nguồn lực đầu tư cho khoa học còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng kỹ thuật thông tin còn thiếu, khả năng tiếp thu công nghệ của nông dân và doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp hiện đang là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao, sức cạnh tranh yếu... Đây là trở ngại lớn nhất để tỉnh bắt kịp với các thành tựu khoa học - công nghệ hiện nay và ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ cũng là một vấn đề nan giải.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước những “cơ hội vàng” để đi tắt đón đầu công nghệ, ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ của nhân loại, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu, đặc biệt là quản lý ở cả nền kinh tế, hệ thống chính quyền các cấp, tất cả các ngành, lĩnh vực, ở các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình để Bạc Liêu nỗ lực bứt phá trở thành tỉnh phát triển trong tốp các tỉnh khá của khu vực ĐBSCL, đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa trái) thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại vùng ven biển huyện Hòa Bình. Ảnh: P.T.C
PV: Trước thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Bạc Liêu chiếm tỷ lệ cao, sức cạnh tranh yếu, vậy trong bối cảnh CMCN 4.0, theo đồng chí, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang phải làm gì để tận dụng thành công thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại?
Đồng chí Dương Thành Trung: Đối với khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng, qua khảo sát và phân tích cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, có quy mô nhỏ và vừa, thuộc nhóm đối tượng dễ bị “tổn thương” trước áp lực cạnh tranh về vốn, đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị nguồn nhân lực…, nên khó có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ; tự thực hiện nghiên cứu phát triển hoặc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến. Do đó, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là ở mức trung bình và thấp, dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh chưa cao.
Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng có các doanh nghiệp đã khắc phục được những khó khăn và chủ động ứng dụng các công nghệ tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: Công ty TNHH MTV Sản xuất, dịch vụ thương mại Khôi Nguyên NVK với sáng chế “Hồ nuôi trồng thủy sản” bằng vật liệu khung sắt tròn lót bạt nhựa HDFE, Công ty TNHH MTV Long Mạnh đã xây dựng và thực hiện dự án “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn trong hồ khung sắt tròn lót bạt HDPE tuần hoàn nước áp dụng công nghệ biofloc”, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu thực hiện dự án đầu tư “Quy trình công nghệ sản xuất muối sấy chất lượng cao” bằng thiết bị sấy trống quay… Đồng thời, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất trong nuôi tôm thương phẩm, tôm giống, rau màu.
PV: Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 16/CT-TTg liên quan đến CMCN 4.0. Xin đồng chí cho biết Bạc Liêu đã thực hiện Chỉ thị này ra sao?
Đồng chí Dương Thành Trung: Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư”, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh phát triển, tạo sự bứt phá thật sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông; phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai cho 99 cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, kết nối được 4 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến được nâng lên, có khoảng 95% thủ tục hành chính được các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cung cấp mức độ 1, 2 trên cổng thông tin điện tử của các đơn vị. Đồng thời, có 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được bộ, ngành Trung ương triển khai.
Ngành Nông nghiệp vẫn giữ vai trò “trụ đỡ”, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đặc biệt thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và có bước phát triển đáng kể, trực tiếp là con tôm, được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập "Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu". Hiện tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành giai đoạn I, đang tiến hành hoàn tất thủ tục thực hiện đầu tư giai đoạn II.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Quốc (thực hiện)
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024: “Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới”
- Quốc hội thảo luận tại tổ 4 dự thảo luật
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế vừa đảm bảo nguồn thu vừa thúc đẩy sản xuất phát triển
- Đại hội trù bị đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV - năm 2024
- Ông Triệu Trung Hiếu được bổ nhiệm Giám đốc BHXH tỉnh