Phát triển điện năng lượng mặt trời: Cần có lời giải lâu dài

Thứ Sáu, 21/05/2021 | 17:29

>> Bài 1: SỨC NÓNG TỪ “CƠN LỐC” ĐIỆN MẶT TRỜI

Bài 2: ĐIỆN MẶT TRỜI VÀ HỆ QUẢ TRONG NÔNG NGHIỆP

Dự án ĐMT trên đất nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, đồng nghĩa với sản lượng điện năng trên địa bàn tỉnh tăng lên nhưng ngược lại đã làm giảm đi diện tích sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này nếu không siết chặt quản lý sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, gây ảnh hưởng đến sự phát triển sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh trong tương lai. Trong khi đó, nông nghiệp lại là thế mạnh chủ lực Bạc Liêu và được tỉnh xác định là trụ cột số 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội.

Công trình ĐMT trên đất lúa - tôm tại xã Phước Long (huyện Phước Long) chưa kết hợp sản xuất nông nghiệp dù đã hòa lưới điện quốc gia hơn 4 tháng.

ĐẤT SẢN XUẤT BỊ BỎ HOANG

Chỉ cần có phương án sản xuất cụ thể và thỏa thuận đấu nối điện với điện lực, nhiều dự án ĐMT đã được triển khai trên đất nông ngiệp. Theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công trình ĐMT trên 1 MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công thương phê duyệt. Do Bạc Liêu chưa được phê duyệt thực hiện dự án trên 1MWp, vậy là xuất hiện tình trạng chia nhỏ dự án, cũng có thể nói là “băm” đất nông nghiệp làm ĐMT.

Cuối năm 2020, trên địa bàn huyện Phước Long có nhiều tổ chức đến thuê đất, mua đất để xây dựng, lắp đặt ĐMT, với quy mô lớn tại các xã, thị trấn làm ảnh hưởng đến dịch tích đất sản xuất, nhất là diện tích lúa - tôm. Qua rà soát, huyện có 5 cụm lắp đặt ĐMT, tập trung tại xã Phước Long và thị trấn Phước Long với công suất 36MW. Trong đó, 36,52 ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản được sử dụng lắp đặt ĐMT.

Ông Nguyễn Chí Thiện - Bí thư Huyện ủy Phước Long cho biết: “Suốt quá trình xây dựng, chủ đầu tư các dự án tự làm chứ không xin ý kiến chính quyền địa phương, có việc chia nhỏ dự án để lách luật. Trong khi đó, huyện không có chủ trương phát triển dự án ĐMT”. Khi chúng tôi hỏi về vấn đề kết hợp sản xuất nông nghiệp tại các dự án, ông Thiện bảo lát nữa đi thực tế sẽ rõ.

Rồi chúng tôi theo chân một cán bộ xã Phước Long đi mục sở thị một dự án để tìm hiểu việc khai thác, vận hành ĐMT trên đất sản xuất lúa - tôm. Trong cái nắng ngập tràn của những ngày tháng Tư, mở ra trước mắt chúng tôi là hàng ngàn tấm pin đang hấp thụ ánh nắng mặt trời để chuyển hóa thành điện năng. Qua quan sát, bên trên những khung giá đỡ là một công trình có quy mô hoành tráng nhưng phía dưới là những cái ao trơ đáy, xâm xấp nước. Điều này cho thấy, kể từ khi đấu nối điện quốc gia đã qua 4 tháng nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa kết hợp sản xuất bất cứ loại cây trồng, vật nuôi nào.

Tiếp cận với một nhóm người tự xưng là chủ đầu tư dự án, chúng tôi được một người trong nhóm cho hay đang khảo sát ao nuôi rồi sẽ tiến hành lấy nước, thả giống. Nói là như thế nhưng khi nào mới sản xuất, sản xuất thế nào và quy mô ra sao thì người dân và cả chính quyền địa phương vẫn chưa nhận được câu trả lời chính xác.

Còn huyện Hòa Bình có 17 dự án, công trình ĐMT có công suất từ 990kWp trở lên. Trong đó, có đến 15 dự án, công trình thực hiện trên mái che ao nuôi tôm, ao nuôi trồng thủy sản, kết hợp xây dựng trang trại… Theo một lãnh đạo xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), qua kiểm tra, các công trình ĐMT trên ao nuôi tôm công nghiệp không thể thực hiện được, còn trên những ao nuôi theo hình thức quản canh thì không kiểm đếm sản lượng thực tế.

Đáng nói, nhiều dự án ĐMT trên danh nghĩa là "kết hợp sản xuất nông nghiệp" nhưng chỉ làm theo kiểu đối phó. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Bạc Liêu mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo đó, để qua mặt chính quyền và ngành chức năng, các chủ đầu tư chỉ cho trồng vài cây ăn trái, thả ít con vật coi như là có sản xuất nông nghiệp. Từ đó có thể thấy, đất nông nghiệp đang bị “phủ bóng” bởi ĐMT.

Một công trình ĐMT lắp đặt trên đất nuôi trồng thủy sản tại xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.V

CHƯA CHỨNG MINH HIỆU QUẢ ĐMT KẾT HỢP NUÔI TÔM

Năm 2020, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) phát triển tôm Bạc Liêu nhận nhiều hồ sơ đăng ký thực hiện dự án ĐMT trên ao lắng, ao xử lý nước, ao nuôi. Tuy nhiên, Hội đồng tuyển chọn doanh nghiệp đầu tư vào Khu NNƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu đã không xét duyệt phương án đầu tư của các doanh nghiệp.

Lý giải vấn đề trên, ông Phạm Hoàng Minh - Trưởng ban quản lý Khu NNƯDCNC phát triển tôm Bạc Liêu cho biết: “Đến nay, trong nước chưa có mô hình nào về áp mái ĐMT trên ao tôm được áp dụng thành công, do vậy chưa ai chứng minh được hiệu quả. Với độ che phủ của phần mái che chiếm từ 70% - 75% diện tích mặt ao, cùng các cọc bê-tông cắm dày đặc dưới ao nuôi chắc chắn gây khó khăn cho các khâu cải tạo, bố trí hệ thống quạt, oxi và thu hoạch. Trường hợp các tấm pin gặp sự cố sẽ ô nhiễm nguồn nước hoặc sét đánh thì xử lý như thế nào?”.

Theo Th.s Lâm Tâm Nguyên - Giảng viên Khoa Nông nghiệp trường Đại Học Bạc Liêu, trong nuôi tôm, việc quản lý ánh sáng là rất quan trọng. Khi bị che chắn quá nhiều thì các hệ tảo sẽ không phát triển dẫn đến nguồn thức ăn đầu tiên sẵn có trong thiên nhiên cho tôm bị triệt tiêu. Chính vì vậy, kết hợp giữa nuôi tôm và làm ĐMT thì người nuôi cần tính toán lượng che phủ ánh sáng phù hợp. Mức độ che ánh sáng vào khoảng từ 30 - 40 % diện tích là tốt nhất, với độ che phủ này khi tôm ở giai đoạn lớn sẽ có màu sắc đẹp và bán được giá thành cao hơn.

Khôi Nguyên - Phương Anh 

-------------------------------------------------------------------------------

GIẢM HAY TĂNG ÁP LỰC?

Không thể phủ nhận, phát triển ĐMT tạo ra lợi ích lớn về kinh tế, giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ từ lưới điện. Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải lại tạo ra áp lực không nhỏ cho ngành điện về hạ tầng truyền tải điện. Đầu năm 2021, Bạc Liêu nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam được phân bổ cắt giảm 26.609 MW công suất ĐMT.

Tại cuộc họp báo tháng 3/2021, Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân giảm phát ĐMT là do tốc độ phát triển các dự án ĐMT diễn ra rất nhanh tại một số địa phương. Các nhà máy thường tối ưu hóa công suất vào thời điểm buổi trưa, nhưng đây lại là thời điểm phụ tải (công suất tiêu thụ) xuống thấp dẫn tới dư thừa công suất hệ thông, gây quá tải cho đường truyền tải. Trong khi các dự án ĐMT có tốc độ xây dựng chỉ 4 - 6 tháng thì phải mất ít nhất 2 năm để xây dựng đường dây truyền tải, vì vậy hệ thống truyền tải điện chưa đủ để giải tỏa công suất.

Đối với Bạc Liêu, nỗi lo về vấn đề truyền tải hoàn toàn có cơ sở khi tốc độ phát triển ĐMT diễn ra khá nhanh. Đặc biệt, gánh nặng truyền tải điện càng lớn khi ĐMT phát triển mạnh về những vùng nông thôn - nơi phù hợp để triển các khai dự án quy mô. Những dự án càng nằm xa mạng lưới truyền tải thì chi phí đầu tư đường truyền tải càng cao.

Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, ngành điện của tỉnh đã thực hiện đầu tư cải tạo lưới hiện hữu, xây dựng mới lưới điện với khối lượng đầu tư gồm: 226,6 km đường dây trung áp, 467,9 km đường dây hạ áp, tổng dung lượng trạm biến áp là 34.483 kVA, với tổng mức đầu tư khoảng 276,09 tỷ đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.