Phát triển điện năng lượng mặt trời: Cần có lời giải lâu dài
Cách nay hơn một năm, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) được ban hành, ngay lập tức những dự án, công trình ĐMT mọc lên như nấm trên khắp cả nước, trong đó có Bạc Liêu. Những dòng điện sạch từ các dự án này lần lượt hòa vào điện lưới quốc gia trong niềm phấn khởi của ngành điện, các doanh nghiệp và người dân đầu tư ĐMT.
Thế nhưng việc phát triển loại năng lượng sạch này lại diễn ra tràn lan, thiếu sự quản lý đã bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập, tiềm ẩn hệ lụy khó lường đối với ngành nông nghiệp và môi trường. Trong khi đó, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức kiên quyết về ĐMT: Tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Bài 1: SỨC NÓNG TỪ “CƠN LỐC” ĐIỆN MẶT TRỜI
Chỉ sau một năm Quyết định 13 ra đời, từ trung du miền núi đến những vùng đồng bằng, từ thành thị cho đến các vùng nông thôn đâu đâu đều thấy "nở rộ" các dự án ĐMT. Bạc Liêu với đặc thù là tỉnh có nhiều nắng, cùng với đó là sức hút quá lớn từ giá mua điện ưu đãi đã hình thành nên “cơn lốc” đầu tư ĐMT.
Công trình ĐMT của một hộ dân không kịp tiến độ vận hành lưới điện quốc gia trước 31/12/2020. Ảnh: P.V
Chạy đua để có giá mua ưu đãi
Cầm danh sách hệ thống ĐMT trên địa bàn tỉnh do Công ty Điện lực Bạc Liêu thống kê, chúng tôi không khỏi bất ngờ về ngày xác nhận vận hành thương mại của các khách hàng lắp đặt ĐMT. Một loạt chủ đầu tư có ngày vận hành sát với mốc quy định của Quyết định 13, thậm chí, rất nhiều trường hợp có công tơ điện xác nhận đúng vào thời hạn cuối cùng, ngày 31/12/2020. Song, không quá khó hiểu bởi chỉ cần hợp đồng bán điện chốt trước 31/12, khách hàng sẽ được mua điện với giá 1.943 đồng/kWh và kéo dài liên tục 20 năm, sau thời hạn đó Chính phủ vẫn chưa quyết định mức giá mới. Chính giá mua điện vô cùng hấp dẫn đã tạo ra một cuộc chạy đua tiến độ đầu tư ĐTM và nhiều dự án, công trình đã “trùng hợp” chạm đích đúng hạn cuối của Quyết định 13.
Ông Lê Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “ĐMT bắt đầu bùng nổ trên địa bàn tỉnh từ năm 2020. Nếu năm 2019, phải vận động người dân lắp đặt ĐMT thì khi có Quyết định 13, ĐMT phát triển nhanh dẫn đến khó quản lý. Ông nào cũng chạy để kịp bán điện với giá ưu đãi”.
“Hoàn vốn đầu tư chỉ từ 5 - 7 năm đầu và hơn 10 năm tiếp theo bắt đầu thu lợi nhuận” - lời chào mời hấp dẫn của các công ty kinh doanh pin mặt trời khiến anh V.Q. (TP. Bạc Liêu) không thể chối từ. Anh V.Q. dự tính, đến khi hết hạn hưởng giá ưu đãi, mình sẽ bỏ túi khoảng 3 tỷ đồng từ ĐMT. Vì vậy, anh không đắn đo đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua trang thiết bị, tăng cường thêm nhân công gấp rút đưa hàng ngàn tấm pin vận hành lưới điện. Anh V.Q. chia sẻ: “Ngoài điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, lượng điện còn lại bán cho ngành điện giúp tôi thu hơn 20 triệu đồng/tháng. Hôm nào nắng tốt, tôi chỉ việc rung đùi cũng có tiền chạy vào túi”.
Song, không phải cuộc chạy đua nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Vì gặp sự cố trong quá trình đầu tư, nhiều chủ đầu tư đã rơi vào cảnh dở khóc, dở cười và ngậm ngùi vuột mất cơ hội vàng. Bắt tay làm ĐMT từ tháng 10/2020, ông Vũ Mạnh Thường (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng nhưng đến nay, dự án vẫn chưa hòa lưới điện, đồng nghĩa với việc chưa thu được đồng nào từ ĐMT. Ông Thường trải lòng: “Theo thỏa thuận, công ty kinh doanh tol phải chuyển hàng hàng cho tôi vào tháng 10/2020, nhưng đến giữa tháng 12/2020, tôi mới nhận được hàng. Chưa hết, tôi còn phải mất thêm 300 triệu đồng do giá tol tăng vọt. Tại thời điểm này, tôi không thể nào kịp lắp đặt để có hợp đồng bán điện. Do vậy, dự án của tôi đang rơi vào thế mắc kẹt”.
Một công trình ĐMT quy mô trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: P.V
Những rủi ro khó lường
Một trong những điều lo ngại của các chủ đầu tư ĐMT là chất lượng các tấm pin, đây cũng là yếu tố dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Vì chạy đua lắp đặt ĐMT, nhiều khách hàng không quá quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản xuất tấm pin. Mặc khác, sự bùng nổ về đầu tư đã kéo theo tình trạng nở rộ nhà cung cấp, thi công lắp đặt ĐMT, càng làm cho thị trường này "nóng" lên với những rủi ro khó lường.
Chiếm phần lớn trên trên thị trường pin mặt trời hiện nay là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc sản xuất, chất lượng thượng vàng hạ cám lẫn lộn khiến doanh nghiệp, người dân khó lòng phân biệt. Hơn nữa, việc mua pin mặt trời hiện quá dễ dàng qua rất nhiều ứng dụng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, giá cả loại nào cũng có. Tuy nhiên, chất lượng thật sự của thiết bị, vật liệu, linh kiện, yếu tố đảm bảo phòng cháy… của các tấm pin như thế nào thì hầu như người dân đều mù tịt.
Anh Q.N (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) cho hay: “Qua lời giới thiệu của người quen, tôi liên hệ mua sản phẩm của một công ty kinh doanh pin mặt trời tại TP. Hồ Chí Minh. Công ty này cam kết pin đảm bảo chất lượng, do đó tôi đã đồng ý lắp đặt nhưng chất lượng ra sao thì… bó tay. Tôi khá lo lắng về độ an toàn các tấm pin khi có nhiều người mua lầm hàng kém chất lượng dẫn đến sự cố cháy nổ, điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta mua phải hàng dỏm”.
Đặc biệt, nếu lắp đặt những tấm pin không chất lượng ở các khu vực đông dân cư, điểm chợ thì không khác nào việc tạo cơ hội cho những “bà hỏa” rình rập cuộc sống người dân. Trong khi đó, việc phòng cháy, chữa cháy đối với những khu vực này luôn gặp nhiều khó khăn vì đường nhỏ hẹp, đông đúc dân cư sinh sống.
Khôi Nguyên - Phương Anh
--------------------------------------------------------------------
Theo Công ty Điện lực Bạc Liêu, tính đến hết ngày 30/4/2021, trên địa bàn tỉnh có 1.616 khách hàng tham gia lắp đặt ĐMT mái nhà, với tổng công suất lắp đặt là 177.249,17 kWp. Trong đó, có 192 dự án ĐMT có công suất lắp đặt từ 100 kWp trở lên, 1.424 dự án ĐMT có công suất lắp đặt dưới 100kWp.
- Phát hiện, thu giữ gần 2.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
- Tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”
- LĐLĐ tỉnh: Hỗ trợ hơn 3.300 đoàn viên khó khăn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Hội LHPN tỉnh: Trao vốn cho hội viên và thăm mô hình kinh tế tại huyện Đông Hải
- Huyện Đông Hải: Thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024