An toàn giao thông
Cần từ bỏ thói quen “xin xỏ” khi vi phạm Luật Giao thông
Gần đây, chuyện “xin xỏ” khi vi phạm Luật Giao thông được bàn tán khá nhiều. Mỗi khi bị lực lượng chức năng “thổi còi” là người vi phạm lại cố tình trì hoãn không ký vào biên bản xử phạt bằng những cách khác nhau: năn nỉ xin tha, viện lý do này nọ, gọi điện thoại cầu cứu người quen, lẳng lặng bỏ xe lại rồi nhờ người khác “xin xỏ”…
Hàng ngày làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý hành chính những trường hợp vi phạm Luật Giao thông, bên cạnh những người dân có ý thức chấp hành tốt, tự trọng trước hành vi vi phạm của mình thì lực lượng chức năng cũng gặp không ít trường hợp ngược lại.
Theo một cán bộ cảnh sát giao thông cho biết, chuyện “xin xỏ” của người vi phạm hiện nay rất phổ biến và là một trong những thói quen xấu của người tham gia giao thông. Lái xe quá tốc độ quy định, đi ngược chiều, điều khiển xe chở 3 người, không đội mũ bảo hiểm…, rõ ràng là người tham gia giao thông biết mình đã vi phạm luật. Thế nhưng, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý, những trường hợp này vẫn cố gắng năn nỉ được “bỏ qua một lần” với mọi lý do như: mới vi phạm lần đầu, không quen đường, đang có chuyện gấp, nhà có người bệnh… Cá biệt, có những trường hợp van nài quá mức, kéo dài thời gian gây hiếu kỳ cho người dân khu vực và ảnh hưởng đến lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ; hoặc đổi từ thái độ năn nỉ sang than vãn cảnh khổ gia đình, trách móc người thực thi nhiệm vụ…
![]() |
Người dân ký vào biên bản xử phạt hành chính vì vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: T.H |
Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Nhiều cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông cho biết họ rất ngán ngẩm với cách hành xử “kỳ kèo” không chịu ký biên bản đóng phạt của người vi phạm. Khi kiên quyết lập biên bản để đảm bảo công bằng thì đôi khi lực lượng chức năng lại gặp phải thái độ ngang ngược, thiếu tôn trọng của người vi phạm… Bên cạnh đó còn có một số đối tượng thường xuyên vi phạm Luật Giao thông, ý thức được rất rõ về hành vi vi phạm và mức độ vi phạm của mình nhưng luôn dùng đủ mọi cách và các mối quan hệ vì mục đích cuối cùng là “xin” không phải đóng phạt. Theo những người thực thi nhiệm vụ, đây đa phần là người thành thị, người có mối quan hệ xã hội nhất định, trái ngược hoàn toàn với những người nông dân chân chất mà khi đặt tay ký tên vào biên bản vi phạm họ còn chưa hết sợ sệt vì sự vi phạm của mình.
Văn hóa giao thông, không chỉ được thể hiện trên những cung đường, khi người ta cầm tay lái mà nó còn được “bắt mạch” qua thái độ ứng xử của người tham gia giao thông khi vi phạm, của cảnh sát giao thông khi thực thi công vụ. Mỗi bên cần có sự nghiêm túc, tự trọng và dám nhận trách nhiệm với hành vi của mình, biết nhìn nhận lỗi để sửa đổi, tránh việc chây ỳ, cố tình né tránh sai phạm. Và trên hết, lực lượng chức năng cũng cần thể hiện sự công bằng của mình…
Mai Đinh
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển
- Thẩm định khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất