An toàn giao thông

Công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT trong nhà trường: Những hiệu quả ban đầu

Thứ Hai, 27/08/2018 | 16:55

Bộ GD-ĐT xác định tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh (HS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông (ATGT) bằng hình thức phù hợp trong môn học và hoạt động ngoại khóa. Gần đây, công tác này được các nhà trường đặc biệt quan tâm, nhất là trong tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp như hiện nay…

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản

Đã qua, việc tuyên truyền lồng ghép, tích hợp vào môn học các kiến thức về ATGT cho học sinh từ bậc tiểu học đến THPT được thực hiện khá tốt. Trong đó, Giáo dục công dân là môn học có lợi thế trong việc tích hợp các kiến thức, kỹ năng để học sinh tuân thủ đúng các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Để tích hợp giáo dục ATGT trong nhà trường, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các giáo viên tự xây dựng đề cương và chọn cho mình phương pháp riêng, từ thuyết trình, đàm thoại, nêu gương, sử dụng đồ dùng trực quan đến thảo luận nhóm, động não, xử lý tình huống, đóng vai, tổ chức trò chơi…

Thầy Vũ Công Dân, giáo viên Trường THPT Chuyên Bạc Liêu, cho biết: “Phương pháp xử lý tình huống vào giáo dục ATGT giúp học sinh đưa ra cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật về ATGT, qua đó củng cố kiến thức đã học và làm quen với kỹ năng vận dụng liên hệ vào thực tiễn đời sống. Đồng thời, học sinh sẽ quen với yêu cầu thể hiện quan điểm của mình trước các tình huống ATGT, từ đây có thể rèn luyện ý thức, kiến thức đúng cho các em”.

Giờ sinh hoạt với nội dung ATGT của cô và trò Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt.

Không chỉ lồng ghép, tích hợp vào các môn học, kiến thức về ATGT còn được diễn ra trong tiết sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi có mặt ở Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) khi cô Lữ Mỹ Út đang hướng dẫn về một số biển báo quan trọng thường gặp trên đường cho học sinh lớp mình trong giờ sinh hoạt lớp. Cô Út sử dụng phương pháp hỏi - đáp trực tiếp với học sinh, so sánh các đáp án để cả lớp nhận định câu trả lời đúng. Bên cạnh những kiến thức đã in sẵn về quy định đối với người đi bộ, đi xe đạp điện, quy định về độ tuổi lái xe, việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, những bước cần làm khi bắt gặp tai nạn giao thông trên đường…, cô Út còn tỉ mỉ liên hệ vào thực tiễn vị trí giao thông của trường để hướng dẫn học sinh thực hiện đúng luật. Cách dạy này nhận được sự hợp tác cao, nhiều em tỏ ra thích thú khi xung phong trả lời về các tình huống cụ thể trên đường - nơi các em vẫn đi về hàng ngày.

Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên “nhí” về ATGT

Ngoài giờ học chính khóa, vấn đề ATGT còn được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, các hội thi ATGT ở trường, ở địa phương, thậm chí là ở các lớp… dạy bơi. Vừa qua, hội thi tuyên truyền về ATGT dành cho học sinh tiểu học và THCS ở TP. Bạc Liêu đã tạo được nhiều dấu ấn. Đây là hoạt động bổ ích trong việc tuyên truyền, giáo dục ATGT đến lứa tuổi học trò, kể cả đánh động vào ý thức của các bậc phụ huynh. Với lý lẽ, kỹ năng riêng của mình, các em trở thành những tuyên truyền viên “nhí” trong việc mang kiến thức, kỹ năng của mình ra thi thố, đồng thời tuyên truyền đến các bạn cùng trang lứa.

Một bài trong bộ sách Văn hóa giao thông bậc THCS. Ảnh: Đ.H

Để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT năm học 2018 - 2019, Sở GD-ĐT vừa yêu cầu các trường học phối hợp với ban, ngành liên quan của địa phương tiếp tục xây dựng mô hình Cổng trường ATGT và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; văn hóa giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT - Võ Thanh Giang khuyến khích các trường tiểu học, THCS sử dụng bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” lồng ghép trong giảng dạy cả chính khóa lẫn ngoại khóa về ATGT.

Gồm 5 chủ đề, bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” dạy học sinh cách chấp hành luật và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Mỗi bài học trong sách có nội dung gắn với thực tế cuộc sống hằng ngày, giúp các em thể hiện văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông; cách ứng xử khi xảy ra va chạm giao thông; ý thức trách nhiệm với ATGT và giữ gìn môi trường giao thông an toàn, sạch đẹp. Đây là tài liệu tham khảo thiết thực cho giáo viên và các bậc phụ huynh để giáo dục, nhắc nhở con em những điều cần thiết nhằm đảm bảo an toàn và ứng xử đúng mực.

Vừa được xuất bản mới đây, các vấn đề lựa chọn đưa vào bộ sách “Văn hóa giao thông dành cho học sinh THCS” gắn liền với thực tiễn giao thông hiện nay, có tính bao quát và gần gũi với môi trường sinh hoạt và lứa tuổi học sinh. Tài liệu học tập này có ích vì giúp học sinh vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống tiếp thu được trong sách vào thực tiễn khi tham gia giao thông hàng ngày…

Mai Đinh

 

Một số quy tắc giúp học sinh tham gia giao thông an toàn

- Đi bên tay phải, đi sát lề đường; đi bộ ở những nơi có vạch kẽ dành cho người đi bộ, không được băng ngang dải phân cách.

- Khi điều khiển phương tiện, phải đi đúng hướng, phần đường của mình.

- Khi chuyển hướng (rẽ trái, phải) phải quan sát trước sau, xin đường.

- Luôn vượt xe về bên trái và trong điều kiện đủ an toàn.

- Khi đi từ đường nhánh, trong nhà, cổng trường ra đường chính phải đi chậm, quan sát kỹ, nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên.

- Không được lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường.

- Không được đi mô tô, xe gắn máy dưới 50cm3 khi chưa đủ 16 tuổi và trên 50cm3 khi chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định.

- Phải đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn khi ngồi trên xe đạp điện, xe gắn máy/phải nhắc nhở phụ huynh nếu không được trang bị mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

- Không dàn hàng, chở người đứng hay chở quá 2 người trên/xe (cả xe đạp và xe gắn máy).

- Không nghe điện thoại, dừng xe giữa đường nói chuyện hay buông thả hai tay khi lái xe.

- Không vượt đèn đỏ, không đùa giỡn trên đường.

- Không chen lấn, xô đẩy, tuân thủ hướng dẫn của nhân viên nhà xe và thể hiện văn hóa giao thông khi đi trên xe buýt, các phương tiện công cộng…

Đ.H (tổng hợp)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.