An toàn giao thông
Đến năm 2030: Cải tạo 100% các điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến đường thủy nội địa
Đây là một trong những mục tiêu quan trọng tại Quyết định 937 của Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) nhằm thực hiện Quyết định 418 ngày 16/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến đường thủy nội địa trong tình hình mới".
Lực lượng chức năng kiểm tra bến đò dọc hoạt động tự phát
tại xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: Đ.H
Quyết định 937 do Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật ký ban hành với nhiều nội dung nổi bật liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT đường thủy trước tình hình hiện nay. Mục tiêu tổng quát của Đề án "Các giải pháp đảm bảo TTATGT trên tuyến đường thủy nội địa trong tình hình mới" là xác định, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về TTATGT trên tuyến đường thủy nội địa. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông và người dân sống dọc các tuyến đường thủy nội địa. Tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể đến năm 2030, cải tạo 100% các điểm đen TNGT trên tuyến đường thủy nội địa chính; cải tạo các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT ở mức cao trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Riêng với các phương tiện thủy phải đảm bảo 100% phương tiện thủy nội địa được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS, thiết bị thông tin liên lạc VHF và được đăng ký, đăng kiểm; có 100% phương tiện thủy chở khách ngang sông được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách; đảm bảo 100% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đồng thời, tất cả học sinh, sinh viên thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy phải được tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT và được trang bị kỹ năng cần thiết đảm bảo an toàn tính mạng khi xảy ra TNGT đường thủy.
Điều đáng quan tâm là, Bộ GT-VT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp với Vụ ATGT, Thanh tra, các cơ quan liên quan trong giai đoạn 2019 - 2021 hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch và cơ chế, chính sách; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; phương tiện thủy nội địa; công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Định hướng đến năm 2030, Bộ GT-VT sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy hoạch và cơ chế chính sách về bảo đảm TTATGT tuyến đường thủy nội địa; áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong hoạt động quản lý về ATGT để giảm thiểu TNGT bền vững trên đường thủy nội địa.
Mai Đinh
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh