An toàn giao thông

“Trẻ em có quyền được an toàn”

Thứ Hai, 21/05/2018 | 17:40

Tai nạn giao thông (TNGT) nói chung, TNGT đối với trẻ em nói riêng hiện là vấn đề cấp bách, thách thức mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 10 năm trở lại đây, thương vong trẻ em trong TNGT không giảm mà có dấu hiệu tăng. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT. Nguyên nhân chính là do tình trạng vi phạm Luật Giao thông, mức độ quan tâm đến sự an toàn của trẻ khi đi trên đường của gia đình, cộng đồng chưa cao.

Bài 1: Nguy cơ tai nạn giao thông đối với trẻ em vẫn còn cao

Có đủ lý do để người ta viện dẫn khi vi phạm quy định về ATGT. Cùng với lứa tuổi học trò chưa có nhận thức đầy đủ về ATGT thì chính sự thờ ơ, thiếu quan tâm, giáo dục con cái, thậm chí vi phạm pháp luật của người lớn đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.    

Những con số hãi hùng

Trẻ em được quyền chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt để sống an toàn - điều này được thế giới công nhận thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc. Nhưng ngày càng nhiều trẻ em bị tước đoạt mạng sống khi đang trên đường đến trường, đang tới khu vui chơi, thậm chí đang ngồi trong vòng tay người thân… chỉ vì TNGT. Nhiều con số được cơ quan chức năng thống kê mà khi đọc lên, chúng ta không khỏi hãi hùng: cứ 4 phút trôi qua, có 1 trẻ em tử vong vì TNGT, đồng nghĩa với thế giới sẽ mất đi 500 trẻ em trong một ngày và trung bình 186.300 trẻ em trong một năm. Thương vong do TNGT gây ra ở trẻ em nằm trong nhóm các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ. Và, tại các nước đang phát triển sẽ có số trẻ em chết vì TNGT cao gấp 3 lần so với các nước phát triển - theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới. Điều này quả thật quá đau xót, tàn nhẫn đối với các thiên thần nhỏ.

* Chở nhiều trẻ không trang bị MBH. * Đi bộ dưới làn đường dành cho xe cơ giới - nguy cơ thương vong cao do TNGT. Ảnh: T.H

Vấn đề ATGT đối với trẻ em đang nóng lên từng ngày bởi thương vong do TNGT đối với trẻ trong 10 năm trở lại đây không hề giảm mà có dấu hiệu gia tăng. Có gần 2.000 trẻ em tử vong vì TNGT trong một năm, đó là chưa kể hàng ngàn trường hợp trẻ em khác chết vì bị đuối nước. Đặc biệt, học sinh cấp THPT là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây khi các em đang điều khiển phương tiện. Đây là thực trạng nhức nhối, không chỉ đối với những bậc cha mẹ, đối với các gia đình, nhà trường mà là nỗi đau của toàn xã hội.

Tuy chưa có một thống kê cụ thể về số trẻ em thiệt mạng do TNGT, nhưng tại Bạc Liêu, không ít trẻ em đã hứng chịu thương vong bởi nó. Bên cạnh đó, số trẻ em trở thành nạn nhân của TNGT như mất đi cha mẹ, người cưu mang, người yêu thương chăm sóc… ngày càng nhiều. Hơn lúc nào hết, TNGT không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, sự phát triển cần thiết của trẻ vốn đã được quy định rất rõ ràng, nó còn làm tổn thất lâu dài, ám ảnh sâu xa về mặt tinh thần cũng như tâm sinh lý của trẻ, thậm chí biến trẻ thành mồ côi chỉ trong phút chốc.

Có nhiều nguyên nhân gây ra những thảm kịch TNGT, trong đó mức độ quan tâm đến sự an toàn của trẻ khi đi trên đường, chưa được gia đình, cộng đồng đặt ra một cách đúng nghĩa. Nguy hiểm hơn hết là sự bất cẩn hoặc cố tình vi phạm các quy tắc về đảm bảo ATGT của các bậc phụ huynh cũng như thanh, thiếu niên -  lứa tuổi chưa nhận thức đầy đủ về ATGT, tham gia giao thông với tâm lý chủ quan, xem thường pháp luật.

Tai nạn vì phạm luật

Các nhà khoa học cho rằng, trẻ em dưới 11 tuổi không đánh giá hết được các yếu tố rủi ro trên đường. Vai trò giám sát của cha mẹ và những người cùng tham gia giao thông, việc chấp hành đúng quy định pháp luật, tôn trọng văn hóa giao thông, khi đó, vô cùng quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi môi trường giao thông phức tạp.

Nhưng cá biệt, chính hành vi của người lớn đã đẩy trẻ em vào những nguy cơ chết người. Hình ảnh phụ huynh vi phạm Luật Giao thông hằng ngày đã lý giải điều đó. Từ việc phóng nhanh, vượt ẩu, lái xe sau khi uống rượu (bia), vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đến việc chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm (MBH), không sử dụng thiết bị giữ trẻ an toàn… bất cứ hành vi nào cũng có thể ngay lập tức làm tổn hại đến sự sinh tồn của trẻ.

Cứ 4 phút trôi qua, 1 trẻ em trên thế giới tử vong vì tai nạn giao thông!

Năm 2010, Việt Nam thực hiện đội MBH bắt buộc cho trẻ em trên 6 tuổi, nhưng 7 năm sau, số phụ huynh chấp hành chỉ ở tỷ lệ 35 - 40%, chưa phân biệt trường hợp đội MBH đúng quy cách. Trong khi, đội MBH là biện pháp hiệu quả nhất để tránh thương vong trong TNGT trẻ em.

Trên thực tế, nhiều người lớn đã nêu gương xấu cho chính con em họ, làm trẻ không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn cũng như tác hại của hành vi vi phạm, thậm chí tái diễn vi phạm của phụ huynh. Điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe mô tô non yếu về kỹ năng, không biết xử lý tình huống, thậm chí phớt lờ các quy định về đảm bảo ATGT, nhóm thanh thiếu niên, học sinh phải hứng chịu TNGT với tỷ lệ gần 50%. Hiện nay, số trường hợp sử dụng các phương tiện nói trên không ngừng tăng, khiến tần suất vi phạm ATGT, TNGT của lứa tuổi này diễn biến phức tạp.

Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Ban ATGT tỉnh bày tỏ sự lo lắng: “Cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ tất cả các ngành, từ nhà trường đến gia đình để giáo dục, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATGT trẻ em. Chạy xe ngoài đường, sợ nhất là học sinh, thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông bởi các em cứ vô tư chạy theo bản năng, trong khi người khác nhiều phen hết hồn, phải dừng lại để tránh”. 

Bức xúc nhất là trẻ em chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi vẫn sử dụng xe gắn máy của người thân để rồi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các khu dân cư hiện nay nổi lên tình trạng thanh thiếu niên, học sinh “binh độ” xe, tụ tập lưu thông với tốc độ cao, không tuân thủ Luật Giao thông. Dù bị nhắc nhở, xử lý nhiều lần, một số đối tượng vẫn vô tư vi phạm, buộc địa phương đưa vào quản lý cá biệt và công khai giáo dục trước dân.

Biết luật, chấp hành nghiêm quy định, có kỹ năng xử lý tình huống, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn luôn phải “căng mình” ứng phó với các nguy cơ mất ATGT trên đường hay các phương tiện khác đem lại. Ngược lại, trẻ em xem thường pháp luật càng khiến rủi ro  TNGT tăng cao, thậm chí mất mạng trên đường.

Thanh Hải - Tấn Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.