Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021)

​Hành trình thực hiện khát vọng tự do

Thứ Sáu, 04/06/2021 | 16:27

Ngày 5/6/1911 là một ngày ghi dấu ấn lịch sử vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Bởi đó là tiền đề cho những biến đổi lớn lao, có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh - cũng là khởi đầu cho hành trình thực hiện khát vọng tự do cho dân tộc.

Từ ngày 25 - 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống đấu tranh anh dũng, chống giặc ngoại xâm, ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Ái Quốc đã thấu thiểu và chia sẻ sâu sắc nỗi khổ cho dân tộc và sỉ nhục của đất nước. Người đã tận mắt chứng kiến chúng thi hành chính sách "khai thác thuộc địa" hết sức tàn bạo đối với nước ta, gây ra sự biến động to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, làm thay đổi kết cấu giai cấp, đảo lộn cuộc sống mọi tầng lớp nhân dân. Khi còn trẻ, có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa mới, với phong trào Duy Tân, Người rất khâm phục và coi trọng các bậc tiền bối, nhưng Người không đi theo con đường đó mà đã có một quyết định chính xác và táo bạo là đi tìm đường cứu nước.

Ngày 5/6/1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Sácgiơ Rêuyni, còn gọi là hãng Năm Sao, từ bến cảng Sài Gòn, Nguyễn Sinh Cung rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1923, khi trả lời một nhà báo Nga, Người đã nói rõ về mục đích ra đi của mình: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy".

Hành trình cứu nước của Bác trải qua nhiều quốc gia, giúp Người nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, thực dân và có điều kiện tìm hiểu phong trào công nhân. Vào khoảng năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp để trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống một cách chật vật, khi thì làm thuê cho một hiệu ảnh, khi thì vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa, nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn kiên trì, hăng say học tập và hoạt động. Người từng bước tham gia vào cuộc đấu tranh của phong trào công nhân và lao động Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp.

Ngày 18/6/1919, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Véc-xây (Pháp). Hội nghị này còn gọi là Hội nghị hòa bình Paris, nhưng thực chất đó là nơi chia phần giữa các nước đế quốc thắng trận và trút hậu quả chiến tranh lên đầu nhân dân các nước thua trận và các dân tộc bị áp bức. Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây. Dưới bản Yêu sách, Nguyễn Tất Thành ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên danh xưng Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ. Đầu năm 1919, Lênin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lênin họp đại hội ở Mátxcơva, thành lập Quốc tế III - tức Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đã kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin được Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản họp năm 1920 thông qua, đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Lần đầu tiên trên báo Nhân đạo Pháp ngày 16 và ngày 17/7/1920 đã đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm của những người đứng đầu Quốc tế II về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô-vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải giúp đỡ phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, về sự đoàn kết của giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến.

Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Từ bản Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Niềm tin ấy là cơ sở tư tưởng để Nguyễn Ái Quốc vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin và Nguyễn Ái Quốc đã xin gia nhập Ủy ban Quốc tế III.

Năm 1921, để tập hợp các lực lượng cùng chí hướng, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Hội ra tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria) làm cơ quan ngôn luận. Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ bút, vừa là phóng viên, vừa là người biên tập chính. Báo "Người cùng khổ" phát hành trong những năm 1922 - 1924, kêu gọi và tổ chức các dân tộc bị áp bức vùng lên giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp đã họp từ ngày 25 - 30/12/1920, ở thành phố Tua (Pháp), cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta.

Như vậy, từ năm 1911 - 1920, là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc khảo sát, nghiên cứu để lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã vượt qua ba đại dương, bốn châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ. Trải qua những tháng năm lao động kiếm sống, thâm nhập đời sống thực tế của những người lao động nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ cảnh bất công, tàn bạo của xã hội tư bản, Người vô cùng xúc động trước đời sống khổ cực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước. Bước đầu Người rút ra kết luận quan trọng là: Ở đâu chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác và vô nhân đạo, ở đâu nhân dân lao động cũng bị áp bức, bóc lột rất dã man; Các dân tộc thuộc địa đều có một kẻ thù chung là bọn đế quốc thực dân. Người nhận rõ giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đều là bạn, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là kẻ thù. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó chính là con đường cách mạng vô sản mà sau này Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

110 năm qua đi, chúng ta càng tự hào về sự lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Sự lựa chọn ấy như một cuộc hẹn gặp lịch sử, trở thành một trong những tiền đề quan trọng để cả dân tộc thực hiện khát vọng tự do, độc lập. Hơn một thế kỷ trôi qua, nhất là sau 35 năm đổi mới đất nước, với những thành tựu đã đạt được, càng thấy rõ những biến đổi lớn lao của dân tộc mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu vào ngày 5/6/1911. Khởi đầu cho hành trình thực hiện khát vọng đó - Bác đã từ người thanh niên yêu nước, cọ xát với thực tiễn sống động của các nước trên thế giới, nhất là đời sống của dân nghèo, cho đến bắt gặp ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, rồi xây dựng lực lượng cách mạng, thống nhất 3 tổ chức Đảng - thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và với biết bao cố gắng: từ lúc xác định “không có gì quý hơn độc lập tự do”, cho đến quyết tâm: dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn... và  ngày 2/9/1945; 30/4/1975 đã hiện thực hóa quyết tâm cháy bỏng.

Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc, chính là tiếp tục thực hiện mục tiêu đó của Bác Hồ. Đạt được những thành tựu quan trọng đó, chúng ta đã đi một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Để chặng đường mới, có cả thác ghềnh, rất cần sự cộng lực của cả dân tộc, để mong ước sánh vai với các cường quốc, hạnh phúc của đồng bào trở thành hiện thực là ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Lê Hà Đăng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.