70 năm thực hiện tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 16/10/2019 | 17:19

Trải qua 70 năm (15/10/1949 - 15/10/2019), tác phẩm Dân vận của Bác Hồ đăng trên báo Sự thật luôn được xem là cẩm nang quý giá cho những người làm công tác dân vận ở bất cứ thời kỳ nào. Và cho đến tận hôm nay, tư tưởng dân vận của Bác vẫn rất sâu sắc và mang tính thời sự nóng hổi: “Dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”.

>> Bài 1: Học Bác để làm tốt dân vận

Bài 2: Lan tỏa những mô hình Dân vận khéo hiệu quả

Quyết tâm vận dụng tốt bài học từ cẩm nang Dân vận của Bác, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Chỉ thị 37 về “tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo và thực hiện Ngày Dân vận khéo”. Sau 5 năm thực hiện, ở các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Sự lan tỏa của phong trào Dân vận khéo đã khơi dậy được nội lực trong nhân dân, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đặc biệt là củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng…

Bí thư Thành ủy TP. Bạc Liêu - Phan Như Nguyện gặp gỡ, động viên nhân dân đang tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Vĩnh Trạch. Ảnh: T.T

Những phong trào vì dân

Với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu và làm dân tin”, phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh ngày một sôi nổi và có nhiều cách làm hay, hiệu quả. Toàn tỉnh đã có 30 xã và 40 ấp được cấp tỉnh, huyện chọn để tập trung tuyên truyền, triển khai thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 37 của BTV Tỉnh ủy. Qua đó, vận động các nguồn lực xây dựng mô hình Dân vận khéo và thực hiện Ngày Dân vận khéo với sự tham gia của hơn 2.000 lượt cơ quan, đơn vị...

Cụ thể, đối với cấp tỉnh, triển khai từ ngày 15/10 hàng năm, mỗi tháng vào ngày 15 sẽ huy động lực lượng (gồm các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp cùng với nhân dân tại địa phương) ra quân xây dựng, sửa chữa đường nông thôn; khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; giải ngân vốn từ các dự án cho người nghèo; vận động quà, học bổng, xe đạp tặng học sinh nghèo và phương tiện làm ăn cho hộ nghèo. Ngoài ra, tại các địa phương được chọn làm điểm thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động và củng cố bộ máy chi đoàn, chi hội…

Riêng đối với cấp huyện, hàng năm cũng chọn một xã để thực hiện mô hình Dân vận khéo; còn các xã, ban ngành, đoàn thể thì chọn một ấp nhằm “dồn sức” thực hiện các công trình, phần việc thiết thực, gắn với nhu cầu cấp thiết của địa phương.

Đã qua, nhiều mô hình, cách làm Dân vận khéo của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử như phong trào Dân vận khéo ở TP. Bạc Liêu, hầu hết các đơn vị đều chủ động “thiết kế” những mô hình sáng tạo, hiệu quả như: Hội LHPN thành phố với việc duy trì và phát triển hoạt động các “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, mô hình “Mỗi tháng có 1 ngày làm công tác xã hội”… Còn Hội Nông dân thành phố thì nổi bật với việc phát động phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; đồng thời, chỉ đạo các chi hội Nông dân nhận giúp đỡ hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Hay như ở Hồng Dân, mặc dù bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của huyện vùng sâu này vẫn tích cực tham gia phong trào bằng những mô hình gắn liền với nhiệm vụ đơn vị, phù hợp với yêu cầu của địa phương. Đơn cử như Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện với công trình đầu tư xây dựng và nâng cấp lộ, cầu; Liên đoàn Lao động huyện hỗ trợ nhà Mái ấm công đoàn cho công đoàn viên gặp khó khăn về nhà ở và giải ngân vốn cho các hộ vay phát triển kinh tế; Huyện đoàn hỗ trợ nhà Nhân ái và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà gia đình chính sách…

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Chỉ trong 5 năm thực hiện phong trào Dân vận khéo theo Chỉ thị 37 của BTV Tỉnh ủy nhưng kết quả đạt được từ thực tế lại rất phấn khởi. Nhiều công trình, phần việc thiết thực đã nhận được sự hài lòng, ủng hộ của nhân dân, như: xây dựng và sửa chữa trên 31km đường nông thôn; xây dựng 28 cây cầu bê-tông; hỗ trợ, xây dựng 798 căn nhà tình thương, tình nghĩa, Mái ấm công đoàn; tặng hàng ngàn suất học bổng, xe đạp, quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo vượt khó..., với tổng kinh phí thực hiện các công trình, phần việc trên 1.192 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, còn lại được vận động từ các nguồn lực khác, đặc biệt là ngày công của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói, công tác dân vận vừa là tiền đề, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc tiếp tục tăng cường, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận sẽ trực tiếp góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng.

Chính từ sự nhận thức sâu sắc vấn đề này, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, TP. Bạc Liêu đã và đang tiếp tục đổi mới trong công tác Dân vận khéo, trong đó chú trọng đổi mới phương thức vận động quần chúng, bám cơ sở, bám địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, sự phối hợp giữa Ban Dân vận các cấp với chính quyền, hệ thống Mặt trận và các đoàn thể ngày càng chặt chẽ hơn. Tổ Dân vận ở các khóm, ấp đã phát huy hiệu quả “cầu nối” giữa dân với Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở, tăng cường vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế gắn với phong trào nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hoàng Uyên - Hữu Thọ

Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh:

Thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo phải gắn chặt với sự lãnh đạo tuyệt đối của các cấp ủy đảng, sự tham gia đồng bộ quyết liệt, hiệu quả của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Mô hình Dân vận khéo phải xây dựng được nội dung lẫn hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa bàn dân cư. Sắp tới, sẽ đưa việc thực hiện mô hình Dân vận khéo là một trong những tiêu chí xét thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng của các đơn vị. Hơn hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện phong trào Dân vận khéo với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với nhân dân”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.