Chính quyền của dân, lo cho dân

Thứ Hai, 19/10/2020 | 17:13

Suy cho cùng, đích đến của nhiều công trình, phần việc trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều nhằm giải quyết nhu cầu chính đáng, làm cho đời sống Nhân dân thật sự ấm no và hạnh phúc. Chính vì vậy, học Bác về chăm lo cho dân hiển nhiên trở thành một trong những quyết sách hàng đầu để xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh dựa trên nền tảng vững chắc là lòng tin, sự đồng thuận của Nhân dân.

Bài 1: Tận tâm, tận sức vì dân

“Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” - ham muốn tột bậc của Bác Hồ lúc sinh thời đã trở thành trọng trách của các cấp ủy, chính quyền, ăn sâu vào suy nghĩ, hành động của những “công bộc”, “đầy tớ” trung thành của dân. Từ nhận thức dẫn đến những việc làm hết sức cụ thể, cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy đang tận tâm, tận sức lo cho dân từ chuyện ăn ở, đi lại, sinh hoạt đến các nhu cầu khác trong cuộc sống thường ngày.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung (bìa trái) kiểm tra tình hình nguồn nước ở cống Năm Kiệu (giáp ranh Bạc Liêu - Sóc Trăng) để tìm phương án dẫn nước ngọt về cứu lúa cho người dân.

DÂN GẶP KHÓ, CÓ CÁN BỘ

“Alô, Bí thư Hằng hả, có ở xã không? Chút nữa cùng anh đi kiểm tra tình hình thiếu nước sử dụng của bà con trong xã nhé”. Nhanh chóng sau đó, ông Hồ Thanh Thủy - Bí thư Huyện ủy Hòa Bình và đoàn cán bộ huyện đã có mặt ở ấp 17 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) - một trong những địa bàn thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng nhất. Cùng với Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hậu A - Nguyễn Thị Hằng, đoàn đến nhà một số người dân để “mục sở thị” những ảnh hưởng mà bà con phải gánh chịu trong đợt hạn mặn được cho là lịch sử từ trước đến nay.

Đang hì hục “mồi” nước cho chiếc máy bơm hoạt động hết công suất để chắt chiu những giọt nước cuối cùng còn sót lại dưới lòng giếng, ông Đặng Văn Dũng ngừng tay, giãi bày với đoàn: “Trời thì đại hạn mà nước ngọt lại thiếu hụt như vậy hoài, người dân biết sống sao đây?! Gần một tháng nay, bà con trong xóm phải thức đến tận khuya để bơm nước trữ lại dành cho mọi sinh hoạt ngày hôm sau. Nước bơm đã khó mà nguồn nước lúc nào cũng bẩn nên chỉ có thể dùng để tắm giặt, còn những sinh hoạt thiết yếu khác phải “cắn răng” mua thêm nước lọc về dùng”.

Sau chuyến khảo sát, thấu hiểu cảnh khổ của dân, lãnh đạo huyện nhanh chóng phối hợp với Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiến hành nâng cấp Trạm cấp nước sạch ấp 17. Để tránh chậm trễ, việc phải làm ngay là đào đường đặt ống, đến khi Trạm cấp nước sẵn sàng hoạt động sẽ đấu nối dẫn nước vào nhà dân ngay.

Nói là làm, ngay sáng sớm hôm sau, người dân trong ấp 17 đã thấy ông Bí thư Huyện ủy cùng cán bộ huyện, xã tay dá, tay xẻng bắt đầu đào đường, lắp ống dẫn nước. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người dân cũng chung tay góp sức để nguồn nước mau dẫn về nhà. Gần 7km đường ống nước đã nhanh chóng được hoàn thành. Ngày nước sạch về, niềm vui của bà con vỡ òa, xen lẫn trong đó là sự cảm mến việc làm hết lòng vì dân của cán bộ, lãnh đạo huyện khi họ gặp khó khăn nhất.

Trong lúc bà con vùng ven biển phải vật lộn với cảnh thiếu nước sinh hoạt thì ở các vùng chuyên canh lúa, tình trạng hạn mặn khiến hàng ngàn héc-ta lúa đông xuân năm 2020 có nguy cơ mất trắng. Để cứu lúa và hơn hết là giúp nông dân tránh cảnh trắng tay sau mấy tháng ròng chắt chiu từng rẻ mạ, sáng mùng 2 Tết, trong lúc người người, nhà nhà đang sum vầy chào đón năm mới thì Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã xuất hành tìm phương án dẫn nước từ đầu nguồn về để “cứu cánh” cho nông dân. Có mặt tại cống Năm Kiệu (giáp ranh Bạc Liêu - Sóc Trăng), Chủ tịch UBND tỉnh liền xem xét tình hình nguồn nước ngọt, rồi cùng Ban điều hành cống mở van đưa nước ngọt về hạ nguồn “giải hạn” cho hàng ngàn héc-ta lúa đang “thoi thóp” chờ nước.

“Khoảng bao lâu thì nguồn nước mới về tới những vùng trồng lúa ở cuối nguồn trên địa bàn tỉnh?” - Chủ tịch UBND tỉnh hỏi một cán bộ Sở NN&PTNT. Anh cán bộ đáp: “Dạ, khoảng gần một tuần”.

Nghe câu trả lời, vẻ lo lắng một lần nữa hiện rõ trên khuôn mặt của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh. Sau đó, ông Trung cùng đoàn di chuyển về cống Âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân). Dù đang là mùng 2 Tết, nhưng tại đây vẫn có khá đông công nhân đang hăng say làm việc để hoàn thành “lá chắn” ngăn dòng nước mặn đổ về các cánh đồng đang oằn mình vì khô hạn. Chủ tịch UBND tỉnh ân cần thăm hỏi, động viên đội ngũ công nhân cố gắng làm đúng tiến độ, đảm bảo an toàn. Khi công trình này hoàn thành thì bà con trong vùng ngọt của tỉnh sẽ đỡ khổ. Bởi nó gánh nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt giúp bà con sản xuất thuận lợi hơn.

Sau chuyến đi đó, nguồn nước đã kịp về với ruộng đồng, giúp bà con nông dân có được một vụ mùa bội thu trong cảnh đại hạn.

Bí thư Huyện ủy Hòa Bình - Hồ Thanh Thủy (thứ hai từ phải sang) cùng cán bộ các ban, ngành huyện và người dân đào đất đặt đường ống dẫn nước tại ấp 17. Ảnh: C.L

ĐƯỢC LÒNG DÂN TỪ VIỆC NHỎ

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để mua được những chiếc khẩu trang y tế dường như là chuyện ngoài tầm với của người nghèo. Lo lắng cho sức khỏe, sự an toàn của người dân, Đảng ủy, UBND Phường 3 chỉ đạo thành lập ngay Tổ may khẩu trang vải, với sự tham gia của cán bộ, đoàn viên, hội viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo phường. Và hơn 1.620 chiếc khẩu trang vải đã được cán bộ, công chức Phường 3 (TP. Bạc Liêu) may suốt một tháng liền để dành tặng cho người dân phòng, chống dịch COVID-19.

Cứ đến giờ nghỉ trưa và sau 17 giờ các ngày trong tuần, tiếng bàn đạp máy may lại đều đặn vang lên ở phòng làm việc của Hội LHPN Phường 3. Chứa đựng trong mỗi chiếc khẩu trang không chỉ là từng đường kim, mũi chỉ, mà còn có cả tấm lòng yêu thương dân. Gửi gắm vào đó còn là thông điệp kêu gọi người dân hãy cùng nhau bảo vệ bản thân, cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh.

Không biết từ khi nào, người dân ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) đã quen thuộc hình ảnh anh Bí thư chi bộ, Trưởng ấp - Nguyễn Hồng Khánh cùng chiếc xe máy bạc màu không ngại nắng mưa, rong ruổi khắp những con đường làng, gõ cửa từng nhà để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con. Ngoài ra, họ còn thấy một anh Bí thư ấp luôn nhiệt tình, sốt sắng giúp người dân giải quyết các thủ tục hành chính trong cuộc sống hàng ngày. Nào là giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy giới thiệu việc làm…, anh đều giải thích cặn kẽ. Có khi, anh Khánh còn trực tiếp giúp người dân, nhất là người già yếu, đi lại khó khăn mang giấy tờ lên xã để công chứng.

Luôn quan tâm, chăm lo cho dân từ việc lớn đến những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, những cán bộ, đảng viên đã góp phần xây dựng niềm tin trong dân về một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”.

HỮU THỌ - CHÍ LINH 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.