Cửa quyền

Thứ Sáu, 04/10/2019 | 18:31

Nói đến cửa quyền là nói đến cán bộ trong cơ quan hành chính Nhà nước nói chung; nói đến thái độ của cán bộ được giao nhiệm vụ ở các cơ quan này khi tiếp xúc với dân. Thay vì là người tận tình phục vụ nhân dân thì các “công bộc” của dân lại tỏ thái độ kiêu căng, hách dịch, sách nhiễu, bề trên… nên mới “đẻ ra” thói cửa quyền!

Trong phạm vi bài viết này, xin gói gọn thói cửa quyền trong bộ phận hành chính - nơi trực tiếp tiếp nhận những vấn đề có liên quan đến các thủ tục hành chính của người dân. Đây là mối quan hệ, là nhiệm vụ thường ngày của các cơ quan Nhà nước với công dân trong đời sống xã hội. Sẽ không có gì để nói nếu cơ quan công quyền không “đẻ” ra loại… “cán bộ cửa quyền”. Và… sự bức xúc, bất bình của người dân bắt đầu từ đây!

Cửa quyền như thế nào? Có lẽ nhiều người dân chất phác, các doanh nghiệp, các cá nhân (trong đó có tôi) không ít hơn một lần khi có việc liên quan đến thủ tục hành chính nhờ đến các cơ quan có liên quan giải quyết đã “nhận” được thái độ lạnh lùng của cán bộ những nơi ấy, hoặc bằng những câu hỏi thiếu chủ ngữ: Đi đâu? Cần gì? Kiếm ai?... ngay cửa tiếp xúc. Cái thái độ “sắc lạnh” đó làm không ít người bị “chùn” xuống, và từ trạng thái người chủ (dân là chủ mà) chuyển sang người đi xin (đầy tớ) rất tự nhiên theo tâm lý. Và cũng ngay lập tức đã bị “cán bộ cửa quyền” “bắt mạch”, và thói cửa quyền được nước lộng hành…

Cửa quyền để làm gì? Cửa quyền không chỉ tỏ ra mình là bề trên, mình được cái quyền bắt nạt hay cho “oai” mà cửa quyền đi liền với sự hạch sách, nhũng nhiễu, vòi vĩnh để được… chung chi. Các nhà tâm lý học đã đúc kết: Độc quyền cộng cửa quyền bằng tham nhũng (đây chính là tham nhũng vặt mà ta thường nghe). Những “cán bộ cửa quyền” thuộc lào công thức này và áp dụng “thành công” một cách… tinh vi!

Biểu hiện của cửa quyền? Đa dạng, đa hình thức, chỉ có thực tế mới trả lời đầy đủ. Nhưng ăn sâu trong ý thức bằng một điểm chung là: cơ quan công quyền nhưng mang nặng tư duy cửa quyền khi tiếp xúc với dân. Biểu hiện dễ thấy nhất kiểu như: vặn vẹo câu chữ, ý tứ trong hồ sơ, bắt lỗi bắt phải theo kiểu “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết” khi người dân, doanh nghiệp chậm… “biết điều” - mà trong hồ sơ nhà, đất, chủ quyền… thường được “cán bộ cửa quyền” “lưu ý kỹ lưỡng”… Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi nhưng cơ quan Nhà nước không trả lời, “im lặng đáng sợ” cũng là một cách cửa quyền. Hay có những việc không quá phức tạp nhưng cán bộ lại hành dân phải đi lại nhiều lần, mất công, mất sức, mất thời gian. Xấc xược hơn có những nơi còn hống hách, lên mặt dạy đời, thậm chí đe dọa nhân dân về vấn đề gì đó… cũng chỉ vì không chịu chung chi, nhưng lý lẽ của họ lại rất… “nhân đạo”, đánh lận con đen, không biết đâu mà lường…

Những biểu hiện nêu trên tuy không phải phổ biến (con sâu làm sầu nồi canh) nhưng làm cho người dân một thời bức xúc, ngại đến cơ quan công quyền. Từ việc “ngại” đó nên tìm cách né luật, lách luật rồi tìm đến cò mồi, dắt mối (các loại cò nhà, cò đất, cò bệnh viện…) để được êm xuôi. Vô tình, từ việc “sợ cửa quyền” đẩy người dân đến chỗ vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật…

Thói cửa quyền có tiêu diệt được không? Đây là vấn đề khó nhưng không phải không làm được. Nhưng tiêu diệt nó không phải trong một ngày một bữa. Tiêu diệt nó phải bằng những cơ chế, pháp lý mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế, pháp luật”. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực rất cao độ trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (trong đó có tham nhũng vặt như đã đề cập, bắt đầu từ cửa quyền mà ra). Thủ tướng Chính phủ đưa ra biện pháp cụ thể: Trong năm 2019 này phải tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo là nơi tạo ra cửa quyền) từ các bộ, ngành đến các địa phương, cơ sở… bằng cách công khai, minh bạch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa sự phiền hà, gây khó, nhũng nhiễu. Bên cạnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cần thực hiện nghiêm Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Cần tôn trọng, ứng xử với dân một cách có văn hóa, ăn nói lịch sự, có trách nhiệm và tôn trọng người dân.

Thói cửa quyền sẽ bị triệt tiêu khi nào cán bộ hành chính biết nở nụ cười, có ánh mắt thân thiện, có lời nói dễ nghe và thật sự “vì dân phục vụ”. Và cũng khi ấy mới đem lại thiện cảm của người dân vào những người “công bộc” của dân, mới lấy lại niềm tin của dân vào Đảng, chính quyền của một thời… giảm sút!

***

Văn hóa công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất của cán bộ khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn hóa của mỗi con người, là trách nhiệm của người cán bộ trong cơ quan công quyền đối với nhân dân.

Xin đừng lấy tư duy cửa quyền làm nguyên tắc ứng xử nơi công sở!

N.N.K

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.